Bất động sản Hòa Bình – Khi "người nhân" lên núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khẳng định xu hướng phát triển của bất động sản Hòa Bình PGS. TS Trần Kim Chung – nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW – cho biết: Khổng Tử nói: “Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân đức thì yêu thích núi.” 20 năm qua chúng ta nhăm nhăm đi xuống biển. Những chỗ khai thác được bất động sản ở biển, đã khai thác rồi. Vòng phát triển tới đây sẽ là xu hướng khai thác bất động sản nghỉ dưỡng miền núi. Hòa Bình là một trong những điểm đến của vòng phát triển này.
Bất động sản Hòa Bình – Khi "người nhân" lên núi

Để người nhân đến, để đại bàng đến, để tiền đến

Khẳng định thêm nhận định về sự phát triển của bất động sản Hòa Bình, PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng Hòa Bình là “của để dành” đã đến lúc cần khai phá. Ông phân tích: Trong bối cảnh dịch bệnh, xu hướng của người dân là không được đến nơi đông người nên đến nơi ít người; Không đến vùng trung tâm thì đến vùng ven. Hòa Bình – du lịch bất động sản Hòa Bình đáp ứng được mong muốn của xu thế này.

Tuy nhiên, dù địa thế phù hợp, xu hướng phù hợp, nhưng để thị trường bất động sản Hòa Bình có thể “bừng nở” thì theo ông vẫn cần phải có trọng tâm. Những trọng tâm mà PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng Hòa Bình cần tập trung ưu tiên là bất động sản du lịch; phát triển khu công nghiệp sinh thái tầm trung; phát triển khu đô thị sinh thái tầm trung; làm mới các đô thị hiện hữu.

Ông đề nghị Hòa Bình cần chủ động, bằng văn bản pháp lý cao để phát triển du lịch 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045.

PGS. TS Trần Kim Chung

PGS. TS Trần Kim Chung

Đặc biệt, PGS. TS Trần Kim Chung nhấn mạnh: Bất động sản du lịch là “key” để phát triển của Hòa Bình, thu hút đầu tư vào hạ tầng. “Để người nhân đến, để đại bàng đến, để tiền đến” – ông nói.

Tiềm năng nghỉ dưỡng cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Cũng chung nhận định về sự phát triển của bất động sản Hòa Bình, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nói: "Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản."

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, với lợi thế, cảnh quan thiên nhiên nơi đây hoang sơ và ấn tượng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng như những cánh rừng nguyên sinh Phu Canh, hang Lỗ Làn, động Thác Bờ vừa mang nét thơ mộng, bình dị, yên ả như bến nước Hiền Lương, Suối Nánh, Thung Nai, cùng hệ thống hang động phong phú và những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường, Thái.

Bên cạnh đó, với sự ưu ái từ thiên nhiên, Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng nhờ sở hữu mạch khoáng nóng quý hiếm, mang lại rất nhiều tác dụng vượt bậc cho sức khỏe, tinh thần và sắc đẹp. Nhờ lợi thế khí hậu ôn hòa quanh năm, du khách bốn phương có cơ hội đến đây nghỉ dưỡng cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Với những lợi thế đó, ông khẳng định: Hoà Bình rất thích hợp cho việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Hòa Bình vẫn còn thiếu các khu du lịch, sân golf có diện tích lớn, do đó tiềm năng phát triển sẽ còn cao.

TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, kết nối hạ tầng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa, tốt hơn để thu hút đầu tư lớn hơn.

Ông cũng cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.

"Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những “con đại bàng lớn” sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản và tất yếu giá bất động sản cũng được đẩy lên cao hơn nữa", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Hòa Bình tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Về phía địa phương, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình cho biết: Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1795/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng của Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể sau:

Theo quyết định này, Hòa Bình được xây dựng thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc để thu hút khách du lịch; Du lịch được phát triển theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh.

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình

Hòa Bình cũng chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp khách du lịch.

Đặc biệt, Hòa Bình cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình cũng cho biết: Hiện, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư.

Năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, Hòa Bình đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách, trong đó bao gồm hơn 400.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng; Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng Hòa Bình vẫn đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế (là những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam), đạt doanh thu trên 1.100 tỷ đồng. Các khu nghỉ dưỡng như Avana Resort, Mai Chau Ecolodge; Ba Khan Village Resort (Mai Châu), Serena Resort (Kim Bôi), Ivory Resort (Lương Sơn), sân Golf Phượng Hoàng, Sân Golf Hill Top Valley... luôn là những điểm đến an toàn, thân thiện và thu hút khách.

Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy tối đa các lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến an toàn, điểm đến xanh, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Hoà Bình rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đến Hòa Bình để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, doanh nghiệp và tỉnh Hòa Bình.

Một lần nọ, Khổng Tử nói với học sinh của mình:

“Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân đức thì yêu thích núi. Người thông minh tính cách cũng hoạt bát giống như nước, người nhân đức cũng an tĩnh giống như núi. Người thông minh sống vui sướng, người nhân đức được trường thọ”.

Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Tại sao người nhân đức lại vui thích khi nhìn thấy núi?”.

Khổng Tử đáp:

“Núi thì cao lớn nguy nga. Tại sao người nhân đức vui khi nhìn thấy nó vậy? Đó là bởi vì trên núi cỏ cây sum suê, chim thú từng bầy, những thứ mọi người cần thiết đều từ núi sản xuất ra, hơn nữa lấy mãi không cùng, dùng mãi không hết, vậy mà nó không lấy lại của người ta thứ gì, người bốn phương lên núi tìm kiếm những gì họ cần, núi đều khảng khái ban cho.

Núi còn dấy lên sấm gió, làm ra mây mưa để quán thông trời đất, khiến hai khí âm dương được điều hòa, nhỏ sương ngọt ban ân huệ cho vạn vật, vạn vật vì thế có thể sinh trưởng, nhân dân vì thế được no ấm. Đây chính là nguyên nhân vì sao người nhân đức vui khi nhìn thấy núi”.

Đọc thêm