Bất ngờ về Công ty tuyên bố “mua 15 triệu liều Pfizer”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thông tin một doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai tự đàm phán mua 15 triệu liều vaccine Pfizer, nhập khẩu vào tháng 8 và đầu tháng 9/2021, khiến dư luận, đặc biệt tại Đồng Nai, hồ hởi vui mừng. Tuyên bố như vậy, nhưng thực tế ra sao?
Nhiều DN đã góp tiền của, vật tư y tế ủng hộ Đồng Nai chống dịch.
Nhiều DN đã góp tiền của, vật tư y tế ủng hộ Đồng Nai chống dịch.

Chủ trương đúng đắn của Nhà nước

Trước đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; Bộ Y tế đã có nhiều công văn khuyến khích các tập đoàn, DN nhanh chóng tiếp cận vắc xin phòng COVID-19.

Theo Công văn 4433/BYT-QLD ngày 31/5/2021, Bộ Y tế cho biết trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng, với các vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (Pfizer nằm trong số này - NV), Bộ sẽ xem xét trong thời gian 5 ngày làm việc tính từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin.

Khi làm thủ tục nhập khẩu, DN gửi hồ sơ chất lượng (gồm Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và/ hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin & Sinh phẩm Y tế cấp giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Như vậy, có thể nói thủ tục vô cùng đơn giản.

Ngày 9/6/2021, Công ty (Cty) CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop có Văn bản 30/CV.DNC thông báo “Cty đã tham gia đàm phán và liên hệ với hai nhà sản xuất cung cấp vắc xin là Cty Pfizer-BioNtech và Cty Janssen (Johnson&Johnson) về việc nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19”.

Chỉ một ngày sau (10/6/2021) UBND Đồng Nai có Văn bản 6451/UBND-KGVX gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đề nghị tạo điều kiện cho Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop nhập khẩu vắc xin.

Thần tốc hỗ trợ các hoạt động đúng đắn của DN, chỉ một ngày sau, 11/6/2021, Cục Quản lý Dược đã có văn bản 6974/QLD-KD, gửi Cty Pfizer-BioNtech và Cty Janssen (Johnson&Johnson), đề nghị hai nhà sản xuất này “tạo điều kiện để Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop tiếp cận vắc xin để đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng tại Việt Nam”. Cục cam kết “sẽ hướng dẫn Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop làm việc với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, bảo quản vắc xin theo quy định tại Việt Nam để sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục nhập khẩu nhằm sớm đưa vắc xin về Việt Nam trong thời gian sớm nhất”.

Sau 3 ngày “thần tốc” từ khi DN có công văn, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đến Bộ, và Bộ Y tế có văn bản gửi nhà sản xuất… đến ngày 18/8/2021, UBND Đồng Nai có văn bản 9917/UBND-KGVX gửi Chính phủ “về việc xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer”. VPCP sau đó có văn bản 5899/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng “giao Bộ trưởng Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc xin phòng COVID-19”.

Không rõ UBND tỉnh Đồng Nai và “Công ty Donacoop” có gặp vướng mắc, bị khó dễ gì khi muốn tự nhập khẩu vắc xin hay không? Tuy nhiên các động thái, văn bản của Bộ Y tế và thời gian xử lý cực nhanh cho thấy Bộ này đã thần tốc hỗ trợ địa phương và DN hết sức có thể, khi giải quyết những kiến nghị chính đáng.

Đại diện nhiều DN trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế nhập khẩu cho biết những văn bản như Văn bản 6974/QLD-KD Cục Quản lý Dược gửi các nhà sản xuất, đề nghị hỗ trợ DN Việt Nam là chuyện hết sức bình thường, diễn ra thường xuyên. Đây không phải “lệnh bài” mà DN nào có trong tay có thể “hô mưa gọi gió” bắt nhà sản xuất phải đáp ứng.

Văn bản của Cục Quản lý Dược.

Văn bản của Cục Quản lý Dược.

Liệu có khả thi?

Cuối tháng 8/2021, nhiều phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin DN trong sự việc trên “đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và đối tác cũng đã chuẩn bị sẵn lượng vắc xin để chuyển cho phía DN. Hiện DN đang đợi Bộ Y tế hoàn thiện thủ tục hồ sơ để nhập số vaccine nói trên về nước. Nếu thuận lợi, số hàng có thể về đến Việt Nam vào đầu tháng 9/2021. Số vắc xin này sẽ được phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ”.

Có dấu hiệu một số phương tiện truyền thông đã thông tin chưa chính xác về DN trong vụ “nhập khẩu 15 triệu liều vắc xin Pfizer” này. Trong Văn bản 6451/UBND-KGVX của Đồng Nai, văn bản 6974/QLD-KD của Cục Quản lý Dược; thì DN tuyên bố “đã tham gia đàm phán và liên hệ với hai nhà sản xuất cung cấp vắc xin là Cty Pfizer-BioNtech và Cty Janssen (Johnson&Johnson) về việc nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19” là Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop; chứ không phải Liên hiệp HTX Dịch vụ - Nông nghiệp - Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 9 vào tháng 3/2021), Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop có tên cũ là Cty CP Phú An Lành. Cty này trụ sở tại tòa nhà Donacoop, đường Lê Duẩn, khu phố Phước Hải, thị trấn Long Thành, Đồng Nai; vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng; người đại diện là ông Bùi Thanh Trúc (SN 1963).

Theo webssite Liên hiệp HTX Dịch vụ - Nông nghiệp - Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) (https://donacoop.com.vn/en/lich-su-hinh-thanh/); ông Bùi Thanh Trúc hiện cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ “Liên hiệp” này; nhưng xét theo góc độ pháp lý, đơn vị tuyên bố “nhập khẩu vắc xin” là Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop, chứ không phải “Liên hiệp” DonaCoop.

Theo đăng ký kinh doanh, Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop có nhiều ngành nghề, từ kinh doanh bất động sản; bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh; cho đến… hoạt động dịch vụ phục vụ tang lễ.

Gần 3 tháng đã qua từ khi Cty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop có văn bản gửi Đồng Nai. Vậy quá trình đàm phán ra sao, vắc xin đang ở đâu?

Thông tin “1 DN Đồng Nai tuyên bố nhập khẩu 15 triệu liều Pfizer” ồn ào đúng thời điểm Thủ tướng trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin. Hôm qua (29/8), Đồng Nai được TP HCM chia sẻ 500 ngàn liều Vero Cell (hãng Sinopharm), và sẽ ưu tiên tiêm cho người dân ở vùng nguy cơ cao. Hiện Đồng Nai đã ghi nhận gần 23.000 ca nhiễm, khoảng 186 người tử vong, xếp thứ 3 cả nước. Đến nay, Đồng Nai nhận gần 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Bộ Y tế.

Phải khẳng định chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng khuyến khích các tập đoàn, DN nhanh chóng tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 là rất đúng đắn; và nếu DN thực tâm hưởng ứng hành động, là vô cùng đáng trân quý. Nhưng nếu bất kỳ cá nhân tổ chức nào không thực sự hành động mà chỉ có động thái bất thường “gây nhiễu”, “ăn theo”, thì phải bị lên án, xử lý nghiêm khắc.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong số báo sau.

Đọc thêm