Bất thường phiên tòa xử vụ kiện Chủ tịch thành phố Bắc Ninh

Chuyện có thật ở một phiên tòa hành chính được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử công khai vào ngày 5/11: người bị kiện và người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đều vắng mặt nhưng đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh vẫn đề nghị Tòa tiếp tục làm việc và tòa “vô tư” xét xử. Vị đại diện VKS còn mặc sai tác phong khi ngồi ghế xét xử… 
KSV Lê Đình Sang tham gia xét xử phiên tòa sai tác phong quy định bị luật sư phê bình và đề nghị HĐXX xem xét nhưng HĐXX cố tình làm lơ.
KSV Lê Đình Sang tham gia xét xử phiên tòa sai tác phong quy định bị luật sư phê bình và đề nghị HĐXX xem xét nhưng HĐXX cố tình làm lơ.

Hậu phiên tòa, người khởi kiện phải kháng cáo và có đơn tố cáo Kiểm sát viên (KSV) vi phạm.

Theo kiện hàng chục năm mới được ra tòa

Theo đơn khởi kiện của bà Nhữ Thị Lưu (sinh năm 1950, trú Xóm Nam, Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cuối năm 2003, tỉnh Bắc Ninh có Quyết định (QĐ) về việc thu hồi đất tại Phường Ninh Xá để thực hiện hai dự án là “Xây dựng khu nhà ở để bán” và “Xây dựng khu nhà ở và giao đất ở cho cán bộ, nhân dân thị xã Bắc Ninh”, với diện tích trên 135.000m2, bao gồm đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất thùng, ao…

Trong đó, có trên 10.000 m2 giao UBND Phường Ninh Xá xây dựng Khu nhà ở để giao đất ở cho 135 hộ cán bộ, nhân dân thị xã Bắc Ninh. Một phần đất của hộ gia đình bà Nhữ Thị Lưu được trưng thu. Bà Lưu cũng như bao hộ dân khác tại địa phương đã nhất trí cao và sẵn sàng giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án và đương nhiên bà Lưu sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định được tỉnh, Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, bà Lưu cho biết, trong quá trình thực hiện, các cấp liên quan đã thực hiện không đúng với chủ trương của tỉnh và Nhà nước quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Lưu nên bà có đơn khiếu nại, khiếu kiện. Thế nhưng, nhiều năm bà Lưu "vác" đơn đi khiếu kiện hết các cấp, vụ việc vẫn bị đùn đẩy, bị "đá bóng" trách nhiệm. Thậm chí phía khởi kiện còn bị đe doạ.

"Không những chính quyền địa phương gây khó dễ mà toà án, viện kiểm sát cũng gây khó khăn không kém nên đơn khởi kiện của tôi gửi đi bị ngâm, bị trả đi trả lại nhiều lần, may mắn sau đó đơn được Toà án cấp cao tại Hà Nội xem xét và yêu cầu TAND tỉnh Bắc Ninh thụ lý", bà Lưu cho biết.

TAND tỉnh Bắc Ninh nơi tổ chức xét xử vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Nhữ Thị Lưu và người bị kiện là Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh.
 TAND tỉnh Bắc Ninh nơi tổ chức xét xử vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Nhữ Thị Lưu và người bị kiện là Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh.

Trước tòa, bà Nhữ Thị Lưu đã yêu cầu TAND tỉnh Bắc Ninh xem xét buộc UBND thành phố Bắc Ninh bồi thường cho gia đình bà phần đất hỗ trợ mà bà được nhận theo Công văn số 1073/NCN-CT ngày 20/9/1997 của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật;

Bồi thường cho bà 1 suất đất đã được UBND thị xã Bắc Ninh nêu rõ trong Công văn số 470/CV-UB ngày 15/9/2002; Bồi thường tiền hoa màu, vật kiến trúc trên đất bao gồm khoảng 300 cây xoài, giếng nước, nhà lợp Fibro xi măng cây trồng và tiền đền bù hoa màu tất cả theo QĐ số 344/QĐ-CT ngày 16/3/2004 của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo QĐ số 1580/QĐ-CT ngày 22/12/2003 của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thu hồi đất, giao đất cho UBND phường Ninh Xá để xây dựng Khu nhà ở và giao đất ở cho cán bộ, nhân dân thị xã Bắc Ninh;

Giao lại cho bà 01 Ki ốt chợ Đọ Xá như đã hứa trước dân là dành 1 phần Ki ốt chợ Đọ Xá để giao cho các hộ dân có đất bị thu hồi để chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời yêu cầu Tòa tuyên hủy Kết luận số 2453/KL-UBND ngày 07/10/2016 về việc: “Nội dung đơn kiến nghị, phản ánh của bà Nhữ Thị Lưu, khu Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh”.

Kết luận số 2453/KL-UBND, của UBND Tp Bắc Ninh được cho là giải quyết sai quy định bị bà Lưu yêu cầu Tòa án tuyên hủy.
Kết luận số 2453/KL-UBND, của UBND Tp Bắc Ninh được cho là giải quyết sai quy định bị bà Lưu yêu cầu Tòa án tuyên hủy.

Trong phiên tòa, mặc dù các cơ sở pháp lý của người khởi kiện khá rõ ràng, thế nhưng không hiểu sao hội đồng xét xử (HĐXX) đã “vô tư” bác toàn bộ nội dung khiếu kiện của bà Lưu, buộc bà Lưu phải làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Kiểm sát viên vi phạm nghiêm trọng?

Khoản c, d, mục 2, Điều 25, Luật báo chí 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017: c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Người có mặt tại phiên tòa không khỏi ngỡ ngàng trước tác phong của vị đại diện VKSND tham dự phiên tòa.

Phiên tòa khai mạc nhưng KSV Lê Đình Sang, người được VKSND tỉnh này phân công tham dự phiên tòa chỉ mang một cái áo sơ mi của ngành và thắt cà vạt nhưng lại không mặc quần áo thu đông theo mùa, không đeo phù hiệu, cấp hiệu ngành và đeo biển tên theo quy định, buộc luật sư phải phê bình nhắc nhở trước HĐXX. Tuy nhiên, HĐXX vẫn “làm ngơ”.

Khi nhóm phóng viên xuất trình thẻ nhà báo làm thủ tục đăng ký tham dự phiên tòa để đưa tin, vị đại diện KSV này còn ý kiến với HĐXX không cho tác nghiệp, yêu cầu phải có thêm giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản. 

Trong quá trình xét xử, vị đại diện VKS còn bộc lộ nhiều biểu hiện sai sót khác làm cho người khởi kiện và người dân đến theo dõi phiên tòa bất bình.

Khi kết thúc phiên tòa người khởi kiện đã làm đơn tố cáo vị KSV Lê Đình Sang lên Viện Trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh và gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí để phản ánh.

Bà Nhữ Thị Lưu chỉ rõ: “Trong quá trình tham gia phiên tòa, tôi nhận thấy ông Lê Đình Sang đã có những vi phạm, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Người dân đến theo dõi phiên tòa.
 Người dân đến theo dõi phiên tòa.

Đơn cử, ông Sang mặc trang phục tham gia phiên tòa không đúng quy định của ngành kiểm sát, thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng người dân; không theo dõi diễn biến tại phiên tòa.

Khoản 1 Điều 6 Quy định về quản lý, sử dụng trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-VKSTC-V9 ngày 04/02/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 quy định trang phục của Viện kiểm sát nhân dân vào mùa thu đông gồm: mặc quần áo thu đông, thắt cà vạt, đeo phù hiệu, cấp hiệu và đeo biển tên.

Có lẽ, với một người kiểm sát viên dày dạn kinh nghiệm như ông Lê Đình Sang thì những phiên tòa hành chính là điều rất bình thường, nhưng với tôi một người dân đã đi đòi quyền lợi gần 20 năm thì phiên tòa hành chính hôm nay là phiên tòa quan trọng với cả cuộc đời tôi. Với một KSV trung cấp dạn dày kinh nghiệm như ông Sang tại sao lại có sự cẩu thả đến vậy?”.

Bà Nhữ Thị Lưu còn thẳng thắn phê bình vị KSV này không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình, không góp phần làm sáng rõ nội dung vụ án.

Bà Lưu cho rằng trước yêu cầu hoàn toàn hợp lý, đúng pháp luật của bà và của luật sư khi đề nghị tạm hoãn phiên tòa vì người bị kiện là Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh vắng mặt, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là UBND thành phố và UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vắng mặt, chỉ có đại diện UBND phường Ninh Xá tham gia.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những nội dung quan trọng thì đại diện của UBND phường Ninh Xá đều trả lời không công tác ở giai đoạn trước đó nên không được biết, dẫn đến nội dung vụ án vô cùng mịt mờ, bế tắc. Thế nhưng ông Sang tỏ ra thờ ơ, vô trách nhiệm khi đề nghị tòa tiếp tục làm việc.

Hơn nữa, tại phiên tòa có rất nhiều nội dung phát sinh, nhưng tại phần trình bày của mình vị đại diện VKS chỉ đọc y nguyên những nội dung đã chuẩn bị sẵn từ trước, hoàn toàn không ghi nhận những sự kiện diễn biến phát sinh tại phiên tòa.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định: “Việc HĐXX sơ thẩm vụ án hành chính tỉnh Bắc Ninh tuyên bác đơn khởi kiện của bà Nhữ Thị Lưu là không thuyết phục, không đáp ứng được tôn chỉ mục đích của công tác xét xử bởi việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, việc giải quyết khiếu nại các hộ dân Làng Đọ Xá từ những năm 1998 không được giải quyết thấu đáo các hộ dân bị thiệt thòi và cảm thấy bị coi thường nên đã dày công theo đuổi mới có phiên toà. Song tại phiên toà người bị kiện (chủ tịch UBND Thành phố Bắc Ninh) và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (UBND tỉnh Bắc Ninh) đều vắng mặt “khó hiểu”?!.

Phiên toà không có người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì xét hỏi ai, tranh tụng với ai (trong khi luật sư đã gửi nhiều câu hỏi đã đánh máy sẵn cho HĐXX và yêu cầu ngưng phiên toà để triệu tập Chủ tịch UBND Thành phố tham gia hay chí ít cũng phải có trả lời bằng văn bản các câu hỏi của luật sư). Toà án căn cứ vào đâu để tuyên án khi không nghe các bên tranh tụng. Việc xét xử rõ ràng mang tính hình thức buộc người dân phải kháng cáo tiếp gây bức xúc và tốn kém cho xã hội.”

Đọc thêm