Bất thường trong điều tra vụ “lướt cọc” căn nhà: CQĐT khởi tố bị can nhưng 97 ngày sau VKS Đà Nẵng mới phê chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi có một số bài viết phản ánh sự việc bà Huỳnh Thị Châu (SN 1975, ngụ 48 Nguyễn Văn Huyên, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) kêu oan vì bị Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01 - CQĐT) Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Lừa đảo”; PLVN vừa nhận được Văn bản 4611/CV-VPCQCSĐT của Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng “phúc đáp yêu cầu cung cấp thông tin”.
Bà Châu kêu oan, từ chối nhận quyết định tố tụng, ngày 5/11/2021. (Hình: nld.com.vn)
Bà Châu kêu oan, từ chối nhận quyết định tố tụng, ngày 5/11/2021. (Hình: nld.com.vn)

“Không cung cấp thông tin liên quan đến vụ án”

Văn bản do Phó Thủ trưởng Thường trực Thượng tá Nguyễn Văn Cung ký ngày 21/12/2021, cho biết CQĐT tiếp nhận, giải quyết đơn của bà Cao Thị Thúy Luận và 6 công dân khác cùng tố cáo bà Châu có hành vi “Lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thông qua việc nhận đặt cọc mua bán đất với tổng số tiền 5,98 tỷ đồng.

CQĐT Công an Đà Nẵng cho biết căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập, ngày 04/05/2021, đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Qua điều tra, đã tiến hành khởi tố bị can với bà Châu. “Quyết định khởi tố bị can đã được VKSND Đà Nẵng phê chuẩn tại Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can 269/QĐ-VKS-P2 ngày 2/11/2021”.

Do bà Châu đang mang thai nên CQĐT ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra. Hiện CQĐT đang tiến hành điều tra vụ án.

CQĐT Công an Đà Nẵng cho rằng “Căn cứ quy định tại Điều 177 BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT Hình sự năm 2015 quy định về “Không được tiết lộ bí mật điều tra” nên CQĐT Công an TP Đà Nẵng không cung cấp thông tin liên quan đến vụ án hình sự theo “đơn đề nghị” của phóng viên”.

Như PLVN đã phản ánh, suốt từ quá trình bị triệu tập đến khi bị khởi tố, bà Châu một mực kêu oan, bức xúc nên từ chối nhận các quyết định tố tụng. Tuy nhiên khi trả lời cơ quan báo chí bằng văn bản trên, CQĐT Công an Đà Nẵng cũng không cung cấp cả những quyết định này, là những văn bản cơ bản nhất, cần phải minh bạch, rõ ràng nhất với bất cứ vụ án hình sự nào; là Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can.

Phân tích văn bản trả lời trên của CQĐT Công an Đà Nẵng, LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nhận định, có nhiều bất thường.

Thứ nhất: “Nội dung trả lời chính thức của CQĐT Công an Đà Nẵng cho thấy quá trình điều tra sự việc này có nhiều điểm chưa rõ ràng. CQĐT cho rằng nhận được đơn của bà Luận và 6 công dân tố cáo bà Châu có hành vi “Lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, bà Châu bị tố cáo 2 tội khác nhau là “Lừa đảo” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng trong 7 người tố, 6 người còn lại là ai, có bao nhiêu người tố lừa đảo, bao nhiêu người tố lạm dụng tín nhiệm? Số tiền từng người là bao nhiêu? Những thông tin đó phải công khai trong Quyết định khởi tố bị can; không phải là bí mật điều tra quy định tại Điều 177 BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự; tại sao CQĐT không trả lời báo chí để dư luận khỏi nghi ngờ? Số tiền 5,89 tỷ là số tiền bà Châu “lừa đảo” hay “lạm dụng”, tại sao CQĐT lại gộp chung chung? CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Châu thì trong vụ án đó bị hại là ai?”.

“Những thông tin này không phải bí mật điều tra, mà là thông tin buộc phải công khai khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.

Thứ hai, vì sao CQĐT không cung cấp được số, ngày ban hành quyết định khởi tố bị can, nhưng quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của VKS thì lại nêu cụ thể?

“Thứ ba, việc báo chí tác nghiệp, vào cuộc xác minh theo đơn đề nghị của bạn đọc, rồi làm việc với cơ quan chức năng, là quyền của báo chí đã được luật định. Tôi được biết PV chỉ để lại các câu hỏi đề nghị PC01 Công an Đà Nẵng trả lời, nhưng tại sao CQĐT lại cho rằng đó là “Đơn đề nghị”? Làm gì có việc phóng viên, nhà báo đi đề nghị cung cấp thông tin mà lại phải viết “đơn đề nghị”?”.

Vì sao phải sau 97 ngày mới phê chuẩn?

Văn bản 4611/CV-VPCQCSĐT của Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng cũng cho thấy một điều bất thường khác giữa CQĐT và VKSND Đà Nẵng.

CQĐT cho biết “quyết định khởi tố bị can đã được VKSND Đà Nẵng phê chuẩn tại Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can 269/QĐ-VKS-P2 ngày 2/11/2021”. Nhưng CQĐT khởi tố bị can từ khi nào?

Mới đây, ngày 8/12/2021, Phó Thủ trưởng Thường trực CQĐT Công an Đà Nẵng, Thượng tá Nguyễn Văn Cung ký Văn bản 1482/CV-VPCQCSĐT gửi một Sở tại Đà Nẵng, cho biết ngày 29/7/2021 CQĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can với bà Châu số 157/QĐ-VPCQCSĐT.

Thế nhưng theo Văn bản 4611/CV-VPCQCSĐT, mãi đến ngày 2/11/2021, Quyết định khởi tố bị can số 157 này mới được VKSND Đà Nẵng phê chuẩn, nghĩa là sau 97 ngày. Vậy động thái này có đúng quy định tố tụng hay không?

Theo giải thích của Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học (Vụ 14, VKSND Tối cao) trên website VKSND Tối cao (https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=573): “Thời gian phê chuẩn quyết định khởi tố bị can được quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, CQĐT phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho CQĐT. Trường hợp VKS yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can”.

LS Thanh đặt vấn đề: “Trong vụ án này, CQĐT và VKS Đà Nẵng đã thực hiện đúng quy định như trên hay chưa? Tôi cho rằng còn có rất nhiều điều chưa rõ ràng, thậm chí có thể nói rất bất thường. Kể cả trường hợp “VKS Đà Nẵng yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn”, thì tại sao việc phê chuẩn phải kéo dài đến 97 ngày? Vì chính các cơ quan tố tụng cũng không đồng thuận quan điểm hành vi của bà Châu là dân sự hay hình sự, hay còn vì nguyên nhân nào khác? Đây là điều mà chỉ cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể làm rõ”.

Về phía VKSND Đà Nẵng, PV đã đặt lịch trực tiếp, nhưng cũng được cơ quan này đề nghị để lại câu hỏi. Sau thời gian dài, khi PV liên hệ lại qua điện thoại thì Chánh Văn phòng VKSND Đà Nẵng Nguyễn Văn Hưng cho rằng: “Hồ sơ đang bên công an”; dù những câu hỏi PV đưa ra liên quan quá trình kiểm sát, giám sát hoàn toàn thuộc thẩm quyền của VKS.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo sau.

Như PLVN đã phản ánh, nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy (quận Hải Châu) có 3 người hưởng thừa kế là ông Nguyễn Hoài Nam (SN 1962, ngụ Đà Nẵng) và chị em ông Nguyễn Tấn Vĩnh (SN 1954, ngụ Bình Định), mỗi bên được hưởng một nửa.

Ông Nam đã hoàn tất thủ tục và nhận cọc từ bà Châu 3 tỷ, thỏa thuận khi chị em ông Vĩnh mở thừa kế xong và chuyển nhượng cho ông Nam thì sẽ bán lại toàn bộ nhà 27 cho bà Châu.

Rồi bà Châu “lướt cọc”, thỏa thuận khi thủ tục nhà đất xong xuôi sẽ bán cho bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982, ngụ quận Thanh Khê), nhận cọc của bà Luận 2,5 tỷ. Không ngờ quá trình mở di sản thừa kế bị “vướng” ở phía ông Vĩnh. Dù bà Châu sẵn sàng trả lại cọc, bà Luận vẫn tố cáo “bị lừa đảo”. Sau một số lần làm việc với bà Luận và ông Vĩnh, PC01 Công an Đà Nẵng khởi tố.

Đọc thêm