“Giăng bẫy” người dùng
“Mình mới bị lừa tổng cộng 11 triệu nên đăng lên cho mọi người cảnh giác” là tiêu đề bài viết của người dùng Facebook C.T được đăng tải trên nhóm “Tố cáo lừa đảo online qua mạng Internet”. Bài viết nói về quá trình người dùng bị lừa đảo thông qua ứng dụng Telegram cùng những bằng chứng là ảnh chụp màn hình được đăng tải lên. Theo như bài viết, lúc đầu chị C.T nhận được cuộc gọi nói tặng quà tri ân nhưng phải kết bạn Zalo để chọn quà.
Sau khi chọn quà xong, người dùng được hướng dẫn cài chat trên Telegram và được cho vào nhóm chat gồm khoảng 50 người. Mới đầu khi vào nhóm chat, mỗi ngày chị C.T cùng mọi người trong nhóm làm những nhiệm vụ như điểm danh, chơi mini game, ấn like sản phẩm liên kết với sàn thương mại điện tử … và nhận được số tiền khoảng 30 nghìn đồng cho mỗi lần.
Dần dần, sau khi lấy được lòng tin với người dùng, chủ phòng chat bắt đầu thay đổi hình thức thành làm nhiệm vụ tăng doanh số, giờ đây người dùng cần chuyển tiền cho chủ phòng chat để đặt đồ với lời hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền gốc và hoa hồng.
Tin theo lời chủ phòng chat, lần 1 chị C.T chuyển 300 nghìn đồng được hoàn lại 480 nghìn đồng, lần 2 chuyển hơn 4 triệu đồng thì không hoàn lại ngay như lần 1 mà bắt phải chuyển số tiền lớn hơn rồi mới hoàn hết gốc.
Với mong muốn nhận lại được tiền gốc và hoa hồng nên người dùng C.T chuyển thêm gần 7 triệu nữa nhưng lần này vẫn “bặt vô âm tín”. Họ tiếp tục đòi phải chuyển thêm 20 triệu nữa để được hoàn cả gốc lẫn lãi nếu không sẽ mất trắng nhưng lần này một phần vì hết tiền, một phần vì đã nhận ra chiêu trò lừa đảo nên chị C.T không chuyển nữa và chấp nhận mất hơn 11 triệu đồng.
Trên thực tế, câu chuyện của chị C.T không còn quá xa lạ bởi ở thời điểm này đang có rất nhiều nạn nhân cùng bị lừa với hình thức tương tự. Sau khi “giăng bẫy” dụ được chuyển tiền, đánh vào tâm lý mong muốn sớm nhận lại tiền, những kẻ lừa đảo thường yêu cầu người dùng chuyển khoản nhanh chóng, vay mượn, thế chấp tài sản để có thể nhận được nhiệm vụ lớn, tăng thu nhập hay chỉ để lấy lại số tiền gốc đã mất.
Tinh vi hơn chúng còn sẵn sàng đưa ra giấy đăng ký kinh doanh và sử dụng các cò mồi đóng vai người chơi cùng làm nhiệm vụ đã nhận được tiền để nói chuyện, hỏi han nạn nhân và liên tục thúc ép nạn nhân nạp thêm tiền để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả đều nhằm gây dựng niềm tin khiến nạn nhân tin tưởng và sẵn sàng “móc hầu bao”.
Dưới cái mác “việc nhẹ lương cao” có người bị lừa 5 triệu, 10 triệu, vài chục triệu hay đến vài trăm triệu cũng có. Đặc biệt điểm chung của các trường hợp này đều sẽ có 3 bước: Gọi điện thường => Zalo => Telegram. Tại bước 3, người dùng sẽ trực tiếp bị lừa bằng cách thực hiện nhiệm vụ trên ứng dụng Telegram.
Nếu như Zalo là một ứng dụng quá quen thuộc với người dân Việt Nam thì Telegram có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người. Cũng giống như Zalo, Telegram là ứng dụng được sử dụng để kết nối thông qua các tin nhắn bằng văn bản ảnh, giọng nói… một cách hoàn toàn miễn phí. Điểm nổi bật của ứng dụng này ở tính năng bảo mật cao nhưng đây cũng lại chính là lý do khiến Telegram trở thành môi trường dễ dàng cho tội phạm mạng lộng hành.
Ngoài cách thức mời chào vào nhóm bằng cách tặng quà thì còn có cả lừa đảo tuyển dụng, lừa đảo việc nhẹ lương cao, lừa đảo tuyển mẫu nhí,… Chị T.Thuỷ (43 tuổi, Hà Nội) cho biết mình đã bị lừa mất 65 triệu đồng khi đăng ký cho con gái tham gia chụp ảnh mẫu nhí trên Facebook. “Hôm đó tôi đang lướt Facebook thì thấy có bài đăng tuyển mẫu nhí với thù lao cao nên tôi có liên lạc để đăng ký cho con gái tham gia. Sau khi trao đổi thành công, chúng dẫn dắt sang một nhóm trên Telegram để làm nhiệm vụ nhận đơn hàng. Các thành viên trong nhóm còn rất nhiệt tình chỉ bảo cách làm nhiệm vụ thật nhanh để đăng ký cho bé. Vì cả tin nên tôi cũng đồng ý làm theo và sau khi tiến hành lừa thành công, tiền một đi không trở lại và các đối tượng mất tích, hỏi thì có lời lẽ xúc phạm, thách thức”, chị T.Thuý chia sẻ.
Có thể thấy quanh đi quẩn lại tất cả các hình thức đều là miếng “mồi câu” để đưa các nạn nhân “vào tròng” rồi lại dùng chuyển tiền thực hiện nhiệm vụ để nhận được số tiền hoa hồng “béo bở”. Những hình thức lừa đảo này còn rất đầu tư khi sẵn sàng tặng quà, tặng tiền với giá trị dưới 1 triệu đồng cho các nạn nhân để tạo dựng lòng tin. Với chiêu thức “thả con săn sắt bắt con cá rô”, hội nhóm lừa đảo đã nhận lại được số tiền gấp mười, gấp trăm lần mà chúng đã bỏ ra.
Cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội
Có thể thấy cùng với sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng của công nghệ là sự tăng lên nhanh chóng của các vụ lừa đảo qua mạng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nếu như ngày trước là các thủ đoạn như hack tài khoản Facebook đóng giả người thân để lừa chuyển tiền, lừa mua hàng online, lừa đảo trúng thưởng, bẫy tình,…
Thì giờ đây hình thức lừa đảo thông qua các hội nhóm trên Telegram đang rất phổ biến và có rất nhiều người bị lừa. Với tính năng bảo mật tốt, Telegram đã giúp các đối tượng lừa đảo ẩn danh và xoá dấu vết khiến cho việc điều tra trở nên khó khăn, hầu như những bị lừa bởi hình thức này đều mất trắng tiền.
Chuyên gia Cục An toàn thông tin cho hay thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản người dùng đang ngày càng phổ biến. Theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị các đối tượng mạo danh để dụ người dùng “sập bẫy” lừa đảo.
Trước những hành vi lừa đảo online trên, mới đây Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đã khuyến nghị người dùng tuyệt đối không tham gia mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử dưới hình thức cộng tác viên, nhân viên online…; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an... Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cần thực hiện theo 3 nguyên tắc vàng trích từ trang dauhieuluadao.com thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo đó, nguyên tắc 1 là “Chậm lại”, những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
Nguyên tắc 2 là “Kiểm tra tại chỗ”, tìm hiểu thêm để xác thực thông tin đang nhận được. Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.
Cuối cùng là nguyên tắc 3, "Dừng lại! Không gửi”, bởi không có công ty hay cơ quan hợp pháp nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ dưới dạng chuyển khoản ngân hàng, ứng dụng chuyển tiền. Vì vậy, nếu cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại vì nó có thể là như vậy đấy.