Bay trên cánh mỏng

(PLVN) -  Sau những nỗ lực “giữ lửa”, nhiều sân khấu vẫn không thể duy trì sáng đèn trước vòng xoáy khắc nghiệt của làng giải trí. Kịch nói TP HCM dần im vắng trong nỗi buồn của khán giả.
Vở kịch sử Việt “Thái hậu Dương Vân Nga” đang được trình diễn tại sân khấu kịch Hồng Vân.

Mới đây, khán giả TP HCM đón nhận tin không vui từ một trong những sân khấu kì cựu, sân khấu Hoàng Thái Thanh. Hai nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như đã thông báo đến khán giả việc sắp tới sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ không còn diễn định kỳ hằng tuần, mà chỉ biểu diễn hai mùa trong năm. Như vậy, thay vì biểu diễn vào 3-4 ngày cuối tuần như trước, từ nay sân khấu sẽ dựng vở mới và biểu diễn theo mùa, gồm mùa Tết kéo dài từ 3 đến 5 tháng (diễn 1, 2 vở) và mùa kịch giữa năm, từ 2 đến 3 tháng (diễn 1 vở). Các vở diễn trước đây của sân khấu sẽ ngừng trình diễn. Theo nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như, đây là động thái bắt buộc để Hoàng Thái Thanh còn tồn tại được, dẫu là ít ỏi giữa thời điểm ngành sân khấu đang “lâm nguy”.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh được thành lập vào năm 2010, đến nay đã trải qua 12 năm. Đây là một trong những sân khấu ít ỏi của TP HCM kiên trì duy trì dòng chính kịch. Trong các vở kịch được dàn dựng công phu của sân khấu Hoàng Thái Thanh truyền tải nhiều quan điểm sống đầy nhân văn về tình yêu thương con người, lòng vị tha, những triết lý nhân quả... Dàn diễn viên thực lực, lối diễn chiều sâu cùng những mảng miếng hài mà không lố được lồng ghép vào các vở diễn khiến kịch Hoàng Thái Thanh mang đậm sắc thái riêng. Trong suốt 12 năm với 53 vở diễn, sân khấu đã giữ một vị trí quan trọng trong lòng khán giả TP HCM và các khu vực lân cận.

Thông tin sân khấu Hoàng Thái Thanh đóng cửa khiến không ít khán giả buồn cho Hoàng Thái Thanh và lo cho ngành sân khấu.

Dẫu buồn, với khán giả yêu kịch TP HCM, sự đóng cửa của Hoàng Thái Thanh và nhiều sân khấu khác là “cái chết được báo trước”. Từ nhiều năm qua, ngành sân khấu đã luôn đứng trước mối nguy phải đóng cửa, tắt đèn. Bản thân sân khấu Hoàng Thái Thanh từng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa khi gặp vấn đề về mặt bằng, phải chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến quận lân cận. Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, từng một thời là “điểm sáng” của kịch nói Sài Gòn cũng phải đóng cửa một thời gian dài trước khi quay lại với khán giả, nhưng cũng đã đánh mất đi hào quang cũ. Sân khấu kịch Hồng Vân đã từng có lần tuyên bố sẽ đóng cửa, từ biệt khán giả trước khi giải quyết được những rắc rối của mình.

Trong suốt những năm qua, nếu nói đến cái khó mà ngành sân khấu gặp phải thì quá nhiều. Đó là khó khăn trong việc tìm kiếm kịch bản hay, là khó khăn trong việc tìm kiếm nhưng gương mặt mới, giữ chân những diễn viên kì cựu trước thu nhập ít ỏi và ngày càng ít người muốn ở lại với mảnh đất sân khấu đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng ít hào quang này.

Cạnh đó, sự phát triển của điện ảnh, truyền hình cùng với internet đã đem đến nhiều loại hình giải trí mới lạ, hấp dẫn, hiện đại, sân khấu cạnh tranh không nổi. Từ đó, lớp khán giả trẻ rời đi, ở lại với sân khấu chỉ còn là những người thuộc thế hệ trước, hoặc một số ít người có tình yêu thương sâu nặng với kịch nói. Bằng ấy khán giả không khiến sân khấu duy trì được, các sân khấu phải bù lỗ ngày một nhiều hơn.

Sau chừng ấy khó khăn, COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến sân khấu TP HCM phải đóng cửa suốt hơn 9 tháng trời chính là “giọt nước tràn ly”. Cho đến nay, nhiều sân khấu vẫn chưa chính thức trở lại với khán giả.

Một số sân khấu vẫn sáng đèn, hoạt động sân khấu đó đây vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả, nhưng, trong lòng nhiều người vẫn hiểu rằng, những sân khấu ấy đang “bay trên cánh mỏng” - như cái tên buổi họp báo công bố đóng cửa của Hoàng Thái Thanh. Nỗ lực giữ lửa và lòng yêu nghề của nghệ sĩ, sự ủng hộ của khán giả dẫu có thể khiến họ tỏa sáng, nhưng cũng chỉ là phút chốc. Đôi cánh mỏng manh ấy, liệu có giúp sân khấu bay cao, bay xa hơn nữa, giữa cái ghì nặng của thời cuộc, của mưu sinh?