BĐS phía Tây Hà Nội tiếp tục được dự báo sẽ là cực tăng trưởng mạnh nhất của Hà Nội trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với hạ tầng đang bứt phá mạnh mẽ, BĐS phía Tây Hà Nội tiếp tục được dự báo sẽ là cực tăng trưởng mạnh nhất của Hà Nội trong tương lai.
BĐS phía Tây Hà Nội tiếp tục được dự báo sẽ là cực tăng trưởng mạnh nhất của Hà Nội trong tương lai.

Thống kê của 10 sàn BĐS bất động sản khu vực Hoài Đức, Hà Đông đều cho thấy nhà đầu tư đã lãi từ 20-50% nếu mua nhà đất tại các khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ, Nam An Khánh, Bắc An Khánh trong vòng hơn 1 năm vừa qua. Cá biệt có nhà đầu tư đã nhân đôi tài khoản khi xuống tiền mua biệt thự, liền kề vào thời điểm đầu năm 2019 và chốt lời đầu năm 2021.

Anh Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ anh khá gặp may khi bỏ tiền đúng lúc vào thi trường Hà Nội trong năm 2020. Cuối năm 2019, khi rút toàn bộ tiền đầu tư từ Sài Gòn về anh dồn hết 13 tỷ trong tay mua căn liền kề và biệt thự song lập khu vực Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), An Khánh (Hoài Đức). "Thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát tôi chỉ nghĩ cho tiền vào đất để giữ giá và chỉ mong lời khoảng 10%/năm. Không ngờ từ cuối năm 2020 bất động sản phía Tây tăng mạnh. Chỉ sau 1 năm, tôi đã lời gấp rưỡi số tiền vốn ban đầu", anh Linh cho biết.

Cũng như anh Linh, nhiều nhà đầu tư Hà Nội đã thắng lớn trong hơn 1 năm qua khi đầu tư vào các sản phẩm bất động sản tại khu vực phía Tây Hà Nội trải dài từ khu vực Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai lên đến tận Ba Vì, Chương Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Bình. Thậm chí có những nhà đầu tư vừa mua xong 1 tháng sang tay đã kiếm lời nửa tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân khiến nhà đất phía Tây Hà Nội tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng Phòng R&D BHS Group cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng hiện đang rất lớn, trong khi đó thị trường bất động sản hiện đang thiếu vắng nguồn cung các sản phẩm mới do điểm nghẽn về pháp lý. Đó chính là lý do khiến các dự án đã được quy hoạch tại khu vực phía Tây Hà Nội cách đây 10 năm có cơ hội tái khởi động, trở lại thị trường.

Còn theo ông Trần Như Trung – một chuyên gia lâu năm trên thị trường BĐS cho biết phía Tây từ cách đây 15 năm đã được xác định là cực tăng trưởng lớn nhất của Hà Nội. Chính vì thế, cách đây 10 năm khi Hà Tây sát nhập Hà Nội khu vực này ngay lập tức đã lên cơn sốt, giá tăng vụt, nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền. Tuy nhiên sau đó gặp đúng giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt, giá quay đầu lao dốc.

"Trong suốt gần 1 thập kỷ qua, dường như khu vực phía Tây Hà Nội bị nhà đầu tư lãng quên. Hàng nghìn nhà đầu tư Hà Nội đổ đi các tỉnh, đặc biệt vào Sài Gòn khiến giá đất tại đây tăng mạnh. Suốt 10 năm qua giá nhà đất tại khu vực phía Tây chỉ ở mức tăng nhẹ, thậm chí có những khu vực sau 10 năm, giá vẫn thấp hơn thời kỳ sốt đất 2007-2008", ông Trung cho biết.

Một lý do khác khiến giá nhà đất khu vực phía Tây Hà Nội tăng mạnh trong thời gian gần đây còn do các yếu tố về quy hoạch, hạ tầng. Hàng loạt công trình, dự án về giao thông, hạ tầng, tiện ích vui chơi, giải trí liên tiếp được đầu tư tại phía Tây Hà Nội như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Đại lộ Thăng Long, trục vành đai 3,5... giúp kết nối khu vực phía Tây với trung tâm cũ, tạo lực phát triển cho toàn bộ khu Tây thành phố khiến giá bất động sản tăng mạnh.

Cùng với đó, Khu Tây cũng trở thành miền đất hứa cho nhà đầu tư khi các thông tin về quy hoạch của khu vực như việc Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận. Thêm vào đó, sự xuất hiện của những đại đô thị quy mô lớn như Vinhomes Smart City hay trung tâm thương mại lớn Hà Nội Vincom Mega Mall Vinhomes Smart City đã tạo nên khu trung tâm mới cho BĐS phía Tây, tạo sức bật lớn cho thị trường bất động sản chung của khu vực.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Hà Nội muốn trở thành siêu đô thị tầm cỡ quốc tế cần phải phát triển đa tâm, thay vì chỉ có duy nhất 1 trung tâm ở Hồ Gươm như trước kia. Hiện nay, trung tâm hành chính của Thủ đô dịch chuyển về phía Tây là bước đi chiến lược để dọn đường đưa khu vực này trở thành một trung tâm mới kéo dài xuyên suốt từ Mỹ Đình chạy thẳng Đại Lộ Thăng Long đến khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hoài Đức.

"Việc phát triển đô thị ra khu vực ven đô theo hướng bền vững và thông minh là con đường bắt buộc chứ không phải là sự lựa chọn. Nhất là trong bối cảnh không khí ô nhiễm, hạ tầng trung tâm quá tải gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt khiến nhiều người có xu hướng dịch chuyển ra ngoại thành sinh sống như hiện nay. Và khu Tây là sự lựa chọn tất yếu", ông Đính khẳng định.

Quan sát thực tế trên thị trường có thể thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng và tiện ích khu vực phía Tây Hà Nội. Điều này khiến thời gian gần đây, giới đầu tư dồn về phía Tây mua tài sản BĐS tích trữ, đón đầu cơ hội tăng giá, đặc biệt là tài sản có thể sử dụng ngay trong những dự án quy mô lớn, vừa để đầu tư vừa đón đầu cơ hội tăng giá. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực phía Tây còn nhiều dư địa tăng giá thì lượng nhà đầu tư dồn về đây ngày càng lớn.

Đánh giá về thị trường BĐS khu vực phía Tây Hà Nội liên tục sôi động trong thời gian vừa qua, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: "Tại Hà Nội, tôi cho rằng, khu vực phía Tây có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc ở khu này khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp hơn hẳn so với ba khu vực còn lại. Chính vì thế, sự phát triển của BĐS phía Tây là tất yếu bởi đây là khu vực đã được quy hoạch bài bản. Giá khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai".

Đọc thêm