Hạ tầng hoàn thiện, “ông lớn” BĐS “Tây tiến”
Trong giai đoạn 2009 – 2010, BĐS khu vực Tây Hà Nội (bao gồm các huyện Hoài Đức, một phần các quận Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm) đã rơi vào trầm lắng một thời gian dài. Tuy nhiên từ giữa năm 2015, với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản và ngày càng hoàn thiện, Tây Hà Nội đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và đầu tư của người dân Thủ đô.
Bằng chứng là từ giữa 2015, nhiều dự án hồi sinh trở lại, nhiều doanh nghiệp tái khởi động hoặc mua lại các dự án dở dang để triển khai, nhiều công trình tại các khu đô thị rục rịch thi công như Khu đô thị Nam An Khánh, Thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco...
Những dự án đã hoàn thiện như Gemek Tower, Thăng Long Victory, Golden Land… các chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người mua như cam kết, mang lại niềm tin cho khách hàng. Đáng chú ý, việc nhiều khách hàng chuyển về sinh sống tại các dự án mang đến hy vọng BĐS khu vực phía Tây Hà Nội trong năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phát triển của phía Tây bắt đầu từ khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội thời điểm năm 2008. Thủ đô mở rộng về phía Tây khiến tốc độ đô thị hóa ở khu vực này diễn ra "chóng mặt". Nhiều “ông lớn” uy tín trong giới BĐS cũng bắt đầu “Tây tiến”. Trong số đó, không thể không kể tới đơn vị phát triển BĐS số 1 Việt Nam hiện nay với dự án biệt thự sinh thái đẳng cấp Vinhomes Thăng Long.
Các chuyên gia BĐS dự báo, trong năm 2017, những dự án nhà ở cao cấp sẽ khuấy động thị trường BĐS Tây Hà Nội như Roman Plaza của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Green Bay Mễ Trì của Tập đoàn Vingroup…
Kỳ vọng từ tầm nhìn quy hoạch
Một trong những nguyên nhân chính yếu khiến BĐS phía Tây thủ đô tạo ra sức hút khó cưỡng với cả khách hàng lẫn các chủ đầu tư uy tín chính là việc cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại và ngày càng hoàn thiện.
Xét về địa thế, đây là khu vực có kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhất của Hà Nội, với tuyến đường Vành đai 3 kết hợp với các tuyến đường hướng tâm như Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương - Tố Hữu, hay các tuyến đường sắt trên cao như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội…
Nếu như ĐTVT Hòa Lạc được phê duyệt, đây sẽ là khu vực hứa hẹn có nhiều triển vọng phát triển cho thị trường BĐS phía Tây |
Đặc biệt, một lý do quan trọng khiến thị trường BĐS Tây Hà Nội được hứa hẹn sẽ “bứt phá” trong tương lai chính là định hướng Quy hoach chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nếu thực hiện theo quy hoạch của thành phố thì khu vực này sẽ trở thành đô thị hạt nhân của Hà Nội mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trụ sở của các cơ quan hành chính lớn và một số trường đại học trọng điểm đã được dịch chuyển từ nội đô tới đây.
Ths. Lã Hồng Sơn, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết: Theo định hướng quy hoạch của thành phố, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT) và các thị trấn.
Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4; về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên.
5 ĐTVT của thành phố nằm trong quy hoạch gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi ĐTVT có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với khu vực đô thị trung tâm về nhà ở, đào tào, công nghiệp, dịch vụ... Đến nay, 4/5 ĐTVT đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chung là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. ĐTVT Hòa Lạc đang thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đáng chú ý, trong cấu trúc phát triển vùng thủ đô, thế mạnh của ĐTVT Hòa Lạc là đã được Chính phủ và UBND Thành phố xác định trở thành một Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới, là một đô thị mới với động lực phát triển vùng và là hạt nhân thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao mới phía Tây thành phố.
Nếu như ĐTVT Hòa Lạc được phê duyệt, đây sẽ là khu vực hứa hẹn có nhiều triển vọng phát triển cho thị trường BĐS phía Tây bởi Hòa Lạc là đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên đại lộ Thăng Long và trục Hồ Tây – Ba Vì. Bên cạnh đó, khu vực Hòa Lạc có khả năng dung nạp dân số khoảng 0,6 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.800 – 5.000 ha.