Được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Với Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/04/2014 giữa Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, lần đầu tiên quy định đã được nêu ở Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và các nghị định hướng dẫn thi hành đã chính thức đi vào thực tiễn. Nói là chính thức bởi hoạt động thế chấp này trước đó vẫn được thực hiện dưới hình thức góp vốn, ứng vốn, gây rủi ro cho khách hàng và đặt chủ đầu tư BĐS trước rủi ro vi phạm pháp luật.
Theo đó, từ ngày 16/6/2014, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì DN phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân. Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng của DN.
Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo quy định tại Thông tư này thì không được tiếp tục thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó. Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
“Nới” quy định cho người nước ngoài mua nhà
Hai đạo luật quan trọng liên quan đến thị trường BĐS được Quốc hội thông qua tháng 11/2014 là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), trong đó Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép bán nhà cho cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với số lượng không quá 30% số căn hộ trong một tòa chung cư, hoặc không quá 250 nhà/phường.
Nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là điều mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đề xuất nhiều năm, kèm theo đó là các bản đánh giá tác động xã hội, các đề xuất chính sách. Với quy định này, các chuyên gia cho rằng thời gian tới, thị trường BĐS sẽ có nhiều khởi sắc với nguồn kiều hối và ngoại tệ “đổ” vào thị trường BĐS đang trầm lắng nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Cho phép phân lô bán nền
Theo Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV được Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển xây dựng, từ ngày 5/1/2014, hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở… Theo đó, khu vực đã đầu tư hạ tầng được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà có thể là phần đất thuộc nhiều dự án, một dự án hoặc một phần trong dự án.
Các lô đất được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở không thuộc các vị trí nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, trong năm, nhiều chính sách quan trọng khác cũng được ban hành như tăng thời gian vay vốn ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng lên 15 năm, tăng mức phạt không làm sổ đỏ, đơn giản hóa thủ tục làm sổ đỏ…