Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết theo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc này đã thúc đẩy sự thay đổi của nông thôn trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến quy hoạch kiến trúc nông thôn tại hầu hết các địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng cho rằng việc tăng cường quản lý, kiểm soát quy hoạch sử dụng đất, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có báo cáo đánh giá tổng hợp thực trạng về quy hoạch, kiến trúc nông thôn giai đoạn từ năm 2011 đến nay và đề xuất kiến nghị giải pháp về quy hoạch, kiến trúc nông thôn giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, kiến trúc nông thôn hiện nay là một nền kiến trúc hầu như tự phát, ít được hướng dẫn về cả mặt quy hoạch kiến trúc lẫn thẩm mỹ. Nông thôn giàu lên, về phương diện nào đó tiến sát đô thị song kiến trúc lại đang thiếu định hướng. Có thể nói, kiến trúc tổ ấm của hàng triệu nông dân đang bị các nhà hoạch định chính sách cùng các nhà kiến trúc bỏ rơi.
Trước đó, sáng 28/7, với 476/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,39% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Chương trình có mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.
Chương trình nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Phạm vi thực hiện Chương trình trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.