Hà Nội chi 3 triệu USD mua ý tưởng phát triển Thủ đô - Đã làm thì phải quyết liệt

(PLVN) -Cuối tuần qua, khi tiếp xúc với đơn vị bầu cử số 10 (Sóc Sơn) sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã chi 3 triệu USD mua ý tưởng phát triển Thủ đô. Tin này vừa mừng, vừa đặt ra cho chúng ta một số vấn đề.
Ảnh minh họa.

Theo như một số trang mạng đưa tin, ý tưởng đột phá giúp Hà Nội có thể đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045, đã được đưa ra và thành phố nhận được nhiều ý tưởng có giá trị.

Là Thủ đô của đất nước nên Hà Nội có sứ mệnh phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Hà Nội là thành phố đặc biệt, Thủ đô có diện tích xếp thứ 11 trên thế giới. Hà Nội có nhiều thế mạnh từ yếu tố tự nhiên đến văn hóa, tri thức... để có thể thực hiện được điều đó.

Hà Nội trong tương lai phải là Thủ đô của văn hóa và di sản; xanh và bền vững; có sức hút đầu tư; kinh tế số/xã hội số; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; môi trường đáng sống. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đầu tiên phải có ý tưởng, tiếp đến là quy hoạch, từ quy hoạch không gian đến quy hoạch xây dựng...

Từ ý tưởng đến quy hoạch là một quá trình. Sau ý tưởng là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây chính là khâu đáng lo ngại.

Hãy nhìn bộ mặt Hà Nội hôm nay sẽ thấy, một số nơi lộn xộn, ùn ứ, phố xá thậm chí nhếch nhác. Một số con phố mới ở khu vực Cầu Giấy, Bắc và Nam Từ Liêm vừa mưa đã ngập. Tình trạng xây nhà không phép, sai phép (vượt tầng), lấp ao hồ, nhà cao tầng vây kín hồ Tây, ô nhiễm hồ, sông trong nội đô... cho thấy một số khía cạnh yếu kém trong công tác quản lý đô thị. Hà Nội cũng đang cần thêm những thiết chế pháp lý để quản lý, phát triển văn hóa đô thị của cư dân đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”.

Sắp tới Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang được xây dựng. Tất cả đều tạo ra hành lang pháp lý cho Hà Nội bước vào giai đoạn mới.

Xây dựng Thủ đô là công việc của cả đất nước. Thấy đúng thì phải quyết tâm làm và đã làm thì phải quyết liệt.

Đọc thêm