Tháo gỡ tranh chấp khi sử dụng nhà chung cư hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 16/7, Trung tâm Trọng tài Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - PACC (Bộ Tư Pháp) phối hợp với Công ty CP Tư vấn Chính sách Hà Nội – Berlin và Công ty Luật TNHH Tường Khang tổ chức Toạ đàm "Pháp luật sở hữu đối với các công trình của chủ sở hữu nhà chung cư và thực tiễn hiện nay". 

Tọa đàm được tổ chức nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong việc xây dựng, quản lý và vận hành nhà chung cư trên địa bàn các thành phố lớn, tránh dẫn đến việc áp dụng không đúng pháp luật, khiếu kiện khiếu nại kéo dài, gây mẫu thuẫn căng thắng, gây bức xúc trong xã hội.

Tham dự Toạ đàm có các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, các Trọng tài viên Trung tâm Trọng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế PACC...

Phát biểu tại Toạ đàm “Pháp luật sở hữu đối với các công trình của chủ sở hữu nhà chung cư và thực tiễn hiện nay” diễn ra mới đây, TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài quốc tế PACC cho biết, khi sử dụng nhà chung cư thường xảy ra các tranh chấp. Trong đó, tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ là một trong những tranh chấp, khiếu kiện đông người và gay gắt trong các tranh chấp liên quan đến mua bán căn hộ chung cư.

Bên cạnh đó là tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu phần diện tích chung, riêng và phí dịch vụ như: khu vực nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, cầu thang, diện tích khai thác cho thuê sàn thương mại…

Đây là các hạng mục thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến khiến nại, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, do hai bên không thống nhất ngay từ đầu về quyền sở hữu và khai thác chung, riêng các khu vực này. Chủ đầu tư bán căn hộ tại các tòa nhà khu chung cư nhưng vẫn cố tình giữ lại các công trình công cộng gắn với nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân và lạm dụng khai thác, độc quyền thu phí cao mà không có sự thỏa thuận với cư dân dẫn đến việc xung đột.

Ngoài ra, chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra thêm các tranh chấp thường xảy ra khi sử dụng nhà chung cư, như: tranh chấp liên quan đến việc chậm bàn giao sổ hồng căn hộ; tranh chấp vì dịch vụ, chất lượng; tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình; tranh chấp về diện tích căn hộ; tranh chấp vì chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư; tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì…

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khi sử dụng nhà chung cư (Ảnh minh hoạ)

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khi sử dụng nhà chung cư (Ảnh minh hoạ)

Nêu ý kiến tại Toạ đàm, ông Nguyễn Chí Công, Chuyên gia pháp lý của Bộ Xây dựng, việc áp dụng pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư vào thực tiễn hiện nay cần căn cứ vào thời điểm diễn ra hành vi vi phạm đối chiếu với quy định pháp luật đó. Tuy nhiên, cần xác định rõ các quy định pháp luật của Việt Nam đã quy định về quyền sở hữu của các cư dân đối với các công trình sử dụng chung trong các chung cư hiện nay; trong đó có các trạm biến áp, máy phát điện và hệ thống thoát nước, cũng như diện tích sân chung, diện tích trồng cây xanh và cả diện tích để các phương tiện ô tô, xe gắn máy của cư dân.

“Việc thực hiện các hành vi liên quan đến quyền sở hữu của cư dân chung cư cần thỏa thuận, thương lượng với các hộ cư dân – chủ sở hữu hợp pháp của các công trình sử dụng chung như máy phát điện, trạm biến áp, hệ thống thoát nước ngầm, diện tích sân, vườn... ở chung cư tránh trường hợp xâm phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu của cư dân dẫn đến vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Chí Công cho biết.

Tại Tọa đàm, TS. Trần Minh Sơn đã đưa ra một số phương thức giải quyết tranh chấp nhà chung cư có thể áp dụng như: nên ưu tiên áp dụng phương thức thương lượng, hòa giải. Nếu không thể hòa giải có thể kiện ra tòa án để xác định quyền sở hữu.

“Từ ngày 1/8/2024 khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, căn cứ khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai 2024 thì trọng tài cũng có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp nhà chung cư này”, TS. Trần Minh Sơn cho biết thêm.

Đọc thêm