Phổ biến điểm mới, nổi bật của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiếp tục chương trình Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Bộ TN&MT tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, chiều nay, Hội nghị được nghe Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024.
Tham gia Hội nghị có hàng trăm cán bộ, lãnh đạo trong ngành tài nguyên môi trường của 63 tỉnh, thành phố tham dự.
Tham gia Hội nghị có hàng trăm cán bộ, lãnh đạo trong ngành tài nguyên môi trường của 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Nghị định 101/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai gồm 5 Chương, 68 Điều để quy định chi tiết các nội dung được giao tại 44 Điều thuộc 3 Chương (IV, X, XII) của Luật Đất đai 2024.

Về điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất, theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu, Luật Đất đai đã quy định cụ thể về: nguyên tắc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai nội dung điều tra, đánh giá đất đai bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá ĐĐ, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

Tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa: Trình tự tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai (Xây dựng, phê duyệt, lựa chọn đơn vị thực hiện, xây dựng số liệu, bản đồ, báo cáo và lấy ý kiến đối với kết quả điều tra, đánh giá đất đai).

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu, về thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy nhận (điều 22, Nghị định 101), ông Hiếu cho biết, nội dung tại Điều này được bố cục theo các trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024.

Để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục thì Nghị định 101 đã quy định về thời gian theo hướng không tính thời gian cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 3 ngày làm việc.

Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu cho biết thêm, Nghị định cũng quy định các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm: Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất; Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt.

Trong sáng nay, ngày 5/9, tại Hội nghị, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai đã giới thiệu các điểm mới, nổi bật của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai gồm 10 Chương, 113 Điều quy định chi tiết 54 nội dung được giao trong Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai.

Trong đó quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy định chi tiết phân loại đất; xác định loại đất; hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc nhận quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai; việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính và quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cũng theo bà Mỹ, nét nổi bật về thu hồi đất, Nghị định này đã hướng dẫn thực hiện trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế.

Đọc thêm