Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khi dân số tăng, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung-cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để bảo đảm an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh...
Bên cạnh đó, việc địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo khung giá đất mới tăng so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở... Tuy nhiên, lý do đáng lo ngại hơn cả là tình trạng giới đầu cơ BĐS, lực lượng môi giới bất chính đã lợi dụng các yếu tố mập mờ về thông tin như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để tung ra các thông tin dẫn đến tình trạng nhiễu loạn nhằm "thổi giá" thu lợi bất chính...
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, giá giao dịch BĐS bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng. Kết quả này được Bộ Xây dựng đưa ra sau khi khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại BĐS trong tháng 3 và quý I tại 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cũng theo Bộ Xây dựng, một số loại hình BĐS tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Đơn cử, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư (tăng 1,53%), nhà ở riêng lẻ (+2,24%), đất nền cho xây dựng nhà ở (+2,85%). Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bên cạnh đó, giá BĐS cho thuê tại Hà Nội và TP HCM tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Theo báo cáo của CBRE, giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà tăng 9% so với cùng kỳ 2021. Tại TP HCM, báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, giá bán căn hộ tăng gần 30%.
Nguyên nhân giá nhà leo thang theo các tổ chức này đến từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài...
Không chỉ có vậy, Bộ Xây dựng còn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng giá BĐS cũng bởi việc tăng giá của một số loại vật liệu xây dựng cơ bản.
Với xi măng, trong quý I, giá hàng hoá này ghi nhận là 30.000-50.000 đồng một tấn so với quý IV năm ngoái, tức tăng 1-3%. Nếu so với cùng kỳ 2021, giá đã tăng 11-15%.
Với cát, đất đắp, đá xây dựng, trong các tháng đầu năm, giá cả không biến động nhiều. Nếu có, chủ yếu là do các công trình xây dựng đặc biệt như các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động sau Covid-19. Giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000/m3, giá cát trung bình đến công trình là 337.000/m3, giá đá là 224.000/m3.
Đánh giá về việc tăng giá vật liệu, Bộ Xây dựng cho biết, do xung đột Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao, nhiều nguyên liệu đầu vào khan hiếm, tới đây, giá các loại vật liệu này dự báo còn tăng.
Với thép xây dựng, trước ảnh hưởng từ thị trường thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào, giá quý I cũng có xu hướng tăng mạnh. Tính đến giữa tháng 3, giá thép đã tăng 3,5% so với tháng 2 và tăng 7,5% so với tháng 1. Đến nay, giá nguyên liệu này chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Giá thép xây dựng các loại hiện khoảng 18.600-20.600 đồng một kg. Trung bình quý I, giá tăng 3,5% so với quý IV năm ngoái.
Diễn biến thị trường BĐS thời gian qua cho thấy, những cơn "sốt đất ảo" không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác; nhất là khi có các thông tin quy hoạch lớn như xây mới công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị, dự án lớn…
Trong khi đó, thực tế giá BĐS tại các khu vực này có tăng, nhưng vẫn trong mức ổn định, không có dấu hiệu tăng mạnh theo kiểu "mỗi ngày một giá" như lời quảng cáo của các môi giới hay thông tin đăng tải trên mạng internet. Nhiều ý kiến cho rằng việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguyên nhân của các đợt "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng", gây "sốt đất ảo", làm rối loạn thị trường