Kiểm soát thị trường bất động sản khi “cơn sốt” giá đất tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, thị trường BĐS Việt Nam có nhiều biến động, trong đó phải kể đến hiện tượng “sốt đất” tại nhiều địa phương, tạo nên một thị trường “bong bóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các nhà đầu tư lẫn khách hàng.
Tại Bắc Ninh, giá đất tại nhiều vị trí tăng 30-40% trong vòng vài tháng
Tại Bắc Ninh, giá đất tại nhiều vị trí tăng 30-40% trong vòng vài tháng

"Bong bóng" BĐS xuất hiện

Năm 2021, thị trường BĐS biến động không ngừng, ngay từ những tháng đầu năm tại một loạt các địa phương, bao gồm cả những địa phương có thông tin quy hoạch lẫn những thị trường mới nổi, giá đất đã tăng cao. Từ các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Phước… đều liên tục chứng kiến giá đất tăng vọt, có nơi tăng giá gấp đôi chỉ sau vài ba tháng. Đáng nói, hiện tượng sốt đất khiến nhiều nhà đầu tư trót mua rồi nhưng khi muốn sang nhượng lại thì không có khách, phải bán rẻ đi chấp nhận lỗ để thu hồi vốn.

Theo các chuyên gia về BĐS, khi giá đất bị đẩy lên không đúng với thực tế, một mặt sẽ ảnh hưởng đến người có nhu cầu mua thật thì không thể tiếp cận “nguồn hàng”, đồng thời còn ảnh hưởng tới cả các chủ đầu tư dự án, khi “ôm hàng” mà không thể bán. Không những thế, nhiều chủ đầu tư khi phải bỏ ra chi phí cao để nộp thuế, sẽ kéo theo giá đất tăng, đẩy giá đất càng đi lên.

Điển hình như tại Bắc Ninh, giá đất tại nhiều vị trí ở huyện Từ Sơn, Thuận Thành, Lương Tài... tăng 30-40% trong vòng vài tháng. Thế nhưng cơn sốt chóng vánh này nhanh chóng hạ nhiệt khi Hà Nội chính thức công bố thông tin quy hoạch, những thị trường ven đô mà giá đất nhảy múa theo “tin đồn” trước đó quay đầu tuột dốc không phanh. Dẫn tới, nhiều khu đô thị tại đây đã rơi cảnh bỏ hoang khi cơn sốt đi qua.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Mức tăng của những năm gần đây không tương thích với mức độ tăng đầu tư. Do vậy chúng tôi xác định sự tăng giá có những độ ảo, tăng không đúng giá trị tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. Tình hình này không xuất hiện trên toàn thị trường mà chỉ cục bộ ở một số địa phương. Thế nhưng khác với trước đây, hiện nay tất cả những khu vực đang nóng sốt chỉ bắt đầu khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp rút ra khỏi vùng đấy. Các nhóm thổi giá đất còn lại chỉ là các cò đất, đầu nậu và cả những nhà đầu tư không chuyên – hay gần đây thường được gọi là nhà đầu tư F0”.

Kiểm soát nguy cơ

Tình trạng sốt đất chỉ lắng xuống khi các bộ, ngành, địa phương vào cuộc và tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Theo đó, vào tháng 12/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS.

Người có nhu cầu mua bán, đầu tư bất động sản cần theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sảnNgười có nhu cầu mua bán, đầu tư bất động sản cần theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn rủi ro. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp BĐS vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định...

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường. Song song đó đánh giá tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường BĐS trên địa bàn. Đồng thời, tổng hợp thông tin, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cũng như người có nhu cầu mua bán, đầu tư BĐS cần theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Đọc thêm