Theo Thượng tá Hà, quy định pháp luật hiện hành chưa có khái niệm “chung cư mini”. Từ này để chỉ mô hình nhà trọ xây từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn phòng, lối đi, cầu thang chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình.
Đa số nhà trọ như trên được lắp hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC), song tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, do sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách. Các phòng không được trang bị hệ thống chữa cháy hoặc có nhưng chưa kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; không có lực lượng được tập huấn nghiệp vụ PCCC túc trực thường xuyên; người ở chưa được trang bị kỹ năng về PCCC.
Thượng tá Hà đánh giá nguy hiểm nhất là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn, dễ xảy ra các vụ cháy. Nếu cháy xuất phát từ hầm giữ xe sẽ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện nay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP, Công an TP đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát các nhà trọ đông người. Công an sẽ kiên quyết xử nghiêm sai phạm về PCCC tại các cơ sở này. “Việc này đã làm thường xuyên, đến nay tăng cường tổng kiểm tra, rà soát”, Thượng tá Hà nói.
Tại cuộc họp, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết, với nhà ở dành cho công nhân, người lao động thuê nếu quy mô nhỏ, có khối tích 5.000m3 (được xác định bằng diện tích (x) chiều cao) sẽ không thuộc diện phải duyệt PCCC. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, tiêu chuẩn PCCC trong xây dựng, đặc biệt là hành lang, lối thoát hiểm.
Những trường hợp thuộc diện phải duyệt PCCC, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải đối chiếu thiết kế thẩm duyệt và thiết kế xây dựng công trình để bảo đảm PCCC.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, khuya 12/9, hỏa hoạn xảy ra ở “chung cư mini” 9 tầng trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, khiến 56 người tử vong. Đối tượng chủ nhà đã bị khởi tố, tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 BLHS.