"Trị bệnh" thị trường bất động sản Cần Thơ

(PLVN) -  UBND TP Cần Thơ vừa ban hành công văn 1937/UBND-XDĐT gửi Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT); Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); UBND quận, huyện; Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – CN TP Cần Thơ, về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa.

Công văn 1937/UBND-XDĐT của UBND TP Cần Thơ được ban hành trên cơ sở xét Công văn số 1305/SKHĐT-KT ngày 29/5/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.

Tại Công văn số 1937, chủ UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo:

Giao Sở Xây dựng, tiếp tục theo dõi, quản lý 32 dự án theo Công văn số 6193/UBND-KT ngày 31/12/2015 của UBND TP Cần Thơ. Chủ động hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và bàn giao hạ tầng về cho địa phương quản lý theo quy định. Định kỳ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện của dự án và những khó khăn, vướng mắc (nếu có), đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư vào 15/12 hàng năm để tổng hợp và tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Giao Sở KH-ĐT, Khẩn trương tham mưu UBND thành phố công tác rà soát pháp lý dự án theo Quyết định số 805/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 đảm bảo đúng quy định, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiếm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đang theo dõi, quản lý. Đồng thời, tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện đối với trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thầm quyền.

Giao Sở TN-MT, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố xử lý dứt điểm vấn đề chậm ban hành giá đất cụ thể theo quy định.

Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện đầy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ đấy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ đầy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng giao UBND quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Cần Thơ quan tâm, sớm có giải pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có giải pháp xử lý phù hợp đối với các khó khăn hiện nay của nhà đầu tư.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đã có Công văn số 1305/SKHĐT-KT gửi UBND TP. Cần Thơ về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.

Tại Công văn này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố hiện có 72 dự án đang triển khai thực hiện thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở. Trong đó, Sở Xây dựng theo dõi, quản lý 32 dự án. Trong số này, 4 dự án có khả năng hoàn thành, bàn giao về địa phương quản lý trong năm 2023; 27 dự án cam kết sau năm 2024 hoàn thành, bàn giao về thành phố quản lý và 1 dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, quản lý 40 dự án, gồm 5 dự án được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư trước Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 (có hiệu lực ngày 5/5/2015). Đa số các dự án hiện nay đã đầu tư và đưa vào vận hành khai thác một phần, phần diện tích còn lại (diện tích nhỏ) chưa giải phóng mặt bằng. Hiện tại, các dự án này đã hết thời gian thực hiện.

35 dự án được UBND TP. Cần Thơ quyết định chủ trương đầu tư sau Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015. Các dự án này triển khai chậm so với quyết định chủ trương đầu tư. Chủ yếu còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện thủ tục đầu tư như lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các dự án chủ trương giai đoạn 2015 - 2018 đa số đã hết thời gian thực hiện, một số dự án đã được UBND thành phố điều chỉnh thời gian thực hiện (gia hạn thời gian). Một số dự án cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng như: Khu Đô thị mới STK An Bình tại phường An Bình, quận Ninh Kiều; Chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát; Khu dân cư phường Phước Thới, khu vực Thới Thuận, phường Phước Thới, quận Ô Môn; mở rộng Khu tái định cư sau Trường dân tộc nội trú quận Ô Môn; mở rộng, phát triển đô thị mới và nâng cấp chợ Thới Lai hiện hữu (giai đoạn 2), công tác đầu tư xây dựng còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư được duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ (CAREA) cũng kiến nghị với lãnh đạo TP. Cần Thơ xem xét, chỉ đạo sớm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bức xúc của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, với 8 nội dung.

Một là sớm ban hành quyết định thẩm định về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá nền tái định cư, giá bồi thường các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố trong quý II/2023 để các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước đã bị kéo dài trong nhiều năm qua (có khoảng 40/79 dự án nhà ở, khu đô thị mới), gây thiệt hại lớn về tài chính cho các Doanh nghiệp bất động sản, nguồn thu lớn ngân sách của thành phố.

Lãnh đạo thành phố khẩn trương rà soát, phân theo từng nhóm đang vướng thủ tục pháp lý… của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố (theo Chủ trương của UBND TP. Cần Thơ về việc rà soát pháp lý các dự án vốn ngoài ngân sách tại Quyết định số 805/QĐ-UBND ngày 16/4/2021). Từ đó xem xét, có hướng giải quyết sớm đối với từng dự án cụ thể để làm cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai hoàn thành dự án.

Trước mắt, CAREA đề nghị họp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của thành phố, còn những vấn đề vượt quá thẩm quyền của thành phố thì tổng hợp kiến nghị, xin ý kiến của Trung ương, như cách TP.HCM đang xử lý hiện nay.

Hai là đẩy nhanh thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP. Cần Thơ đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng gây bức xúc, thưa kiện kéo dài trong nhân dân…

Ba là phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, cấp phép đủ điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bán nhà ở, căn hộ chung cư… hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ.

Bốn là đề nghị các sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện hỗ trợ giúp đỡ chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án nhà ở, khu đô thị mới tại quận, huyện. Xem xét gia hạn thời gian thực hiện các dự án bị chậm trễ trong việc triển khai do vướng thủ tục đền bù, giải phóng mặt, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất.... mà không phải do lỗi của các chủ đầu tư dự án.

Năm là tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ban, ngành thành phố, quận, huyện trong việc kiểm tra, giám sát thị trường bất động sản thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt là kiểm tra tiến độ triển khai các dự án quy mô lớn, góp phần minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản; tổ chức công bố, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các quy hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định pháp luật; kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá dẫn đến tình trạng “sốt đất ảo”.

Sáu là về quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát, thành phố quy định chế độ định kỳ 3 tháng/lần Thường trực UBND TP. Cần Thơ làm việc với Hiệp hội Bất động sản địa phương, chủ đầu tư dự án bất động sản nhằm nắm bắt thông tin để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bức xúc về thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính… của các dự án bất động sản đang triển khai thực hiện.

Điển hình một số dự án bất động sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài trong nhiều năm, không triển khai thực hiện được, như dự án Khu trung tâm thị trấn huyện lỵ, huyện Vĩnh Thạnh; Khu đô thị mới An Bình 3, Khu đô thị mới STK phường An Bình, quận Ninh Kiều; Trung tâm Thương mại-Văn phòng-Nhà ở thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều; Khu dân cư - khu biệt thự phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ…

Bảy là xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: ưu tiên giao các doanh nghiệp bất động sản là hội viên của Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ có kinh nghiệm, năng lực tài chính; có trách nhiệm đóng góp, tích cực tham gia xây dựng khoảng 20.000 căn hộ, góp phần cùng TP. Cần Thơ hoàn thành Mục tiêu đề án của Bộ Xây dựng giao các tỉnh, thành trong cả nước đạt ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ nay đến năm 2030.

Tám là để các dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư trên địa bàn được triển khai nhanh chóng, kịp tiến độ như đã cam kết. Kiến nghị với lãnh đạo thành phố chấp thuận cho Chủ Đầu tư dự án được thực hiện song song hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án, giúp hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

CAREA kiến nghị phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, cấp phép đủ điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bán nhà ở, căn hộ chung cư… hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ

Ngoài ra, CAREA cũng kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…

Đồng thời, hình thành và tạo điều kiện các định chế tài chính phát triển trong nước, nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.

Hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí: các giao dịch chính thức trên thị trường để khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản; hạn chế đầu cơ, trốn thuế cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, CAREA cũng kiến nghị sớm ban hành thống nhất áp dụng trong cả nước “Cẩm nang quy trình chuẩn” về trình tự, thủ tục đầu tư dự án bất động sản./.

Đọc thêm