Bê bối tại 'Viện thẩm mỹ Quốc tế Hana': Dọa mướn 'giang hồ 'thanh toán' khách?

(PLVN) - Báo PLVN mới đây phản ánh sự việc một số phụ nữ tố cáo “Viện thẩm mỹ Quốc tế Hana” (141 Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên) làm hư da mặt, hư mắt, hư môi… Sau loạt bài, không ngờ số người cho rằng là nạn nhân của Hana lại nhiều như vậy. Tiếp tục nhiều người khác tìm đến tố cáo với PLVN, với những chứng cứ cho thấy Hana có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, rồi dọa mướn “giang hồ” “thanh toán”…
Một phụ nữ có đến… hai chân mày sau khi “làm đẹp” tại Hana.
Một phụ nữ có đến… hai chân mày sau khi “làm đẹp” tại Hana.

“Đã chấp nhận làm, nếu không hết thì mất tiền…” 

Gặp hàng chục người phụ nữ cho biết là nạn nhân của Hana, không khỏi xót xa khi thấy những biến chứng để lại trên khuôn mặt họ sau khi “làm đẹp” tại Hana.  

Chị Nguyễn Đông Hòa (ngụ xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) cho biết, ngày 5/10 chị đến Hana làm liệu trình trị nám với giá 20 triệu đồng. Lúc này một nhân viên Hana tự xưng tên Nguyễn Thị Mai Trúc cam kết: “Bên em là Thẩm mỹ viện Quốc tế, nếu không điều trị dứt điểm, bên em sẽ hoàn tiền lại”.

Hana bị tố nuốt lời hứa “hoàn lại 100% tiền nếu không đẹp như cam kết”.
 Hana bị tố nuốt lời hứa “hoàn lại 100% tiền nếu không đẹp như cam kết”.

Sau lần “làm đẹp” lần thứ nhất, nhân viên ở đây lấy máu ở tay chị, “bỏ vào máy ly tâm tách các thành phần trong máu, sau đó lấy “lượng huyết tương giàu tiểu cầu” tiêm trở lại vào vùng mặt”. Khi về nhà, chị thấy không ổn, da mặt bắt đầu có vết sạm nặng hơn nên chị ngưng điều trị. Sau đó chị đến Hana để lấy lại tiền như lúc đầu Hana cam kết. 

Lúc này nhân viên Hana chấp nhận trả lại số tiền tám triệu đồng trong liệu trình trị nám 20 triệu. Nhưng phía Hana bị cho là chỉ hứa miệng chứ không trả một đồng nào. “Nhân viên Hana nói đợi thông báo với Giám đốc nên bảo tôi chờ”, chị nói.

Sau nhiều lần hứa miệng, nhân viên Hana cho chị số điện thoại của một người được giới thiệu là giám đốc Hana trong TP HCM thì được người này trả lời rằng: “Đã chấp nhận làm, nếu không hết thì mất tiền chứ Hana không trả tiền lại. Có trả thì nhân viên trả chứ bên này không chịu trách nhiệm”, rồi cúp máy.

Không chịu nổi ấm ức, chị đến Hana đòi lại tiền, nhân viên Hana bị cho là “tỏ thái độ”. “Những lần sau đó, tôi kiên trì đến Hana chỉ để lấy lại số tiền tám triệu đồng như Hana đã hứa. Thế nhưng nhân viên Hana dọa mướn “giang hồ” “thanh toán” nếu tôi làm to chuyện”, chị kể.

Không còn tin tưởng nữa, mới đây, sau khi đọc bài PLVN phanh phui dấu hiệu sai phạm tại cơ sở này, ngày 27/12, chị Hòa lại đến Hana đòi tiền, tuyên bố nếu không trả tiền lại sẽ tố cáo lên báo chí. Lúc này nhân viên Hana mới viết giấy cam kết trong vòng hai tháng sẽ trả tám triệu, mỗi tháng trả bốn triệu. “Nhân viên viết tờ giấy này có thể để tôi khỏi tố cáo thôi, chứ lấy tiền lại được chắc phải chờ cơ quan chức năng phân xử”, chị nói.

Một khách hàng hiếm hoi được nhân viên Hana viết giấy hứa trả lại một phần tiền
 Một khách hàng hiếm hoi được nhân viên Hana viết giấy hứa trả lại một phần tiền 

Chị Hòa cho biết thêm, sau khi đọc các bài báo PLVN đăng tải, chị có can đảm hơn để lên tiếng tố cáo hành vi “lừa khách hàng một cách tráo trở” như vậy. “Tôi mong báo chí lên tiếng để giúp đỡ những người phụ nữ cả tin như tôi. Tôi cũng mong muốn ai đang làm đẹp tại Hana hãy dừng lại ngay, vì đã rất nhiều người bị Hana phá hỏng khuôn mặt”, chị Hòa nói.

Mất 38 triệu để đổi lấy… xấu xí 

Ngồi đội mũ sùm sụp ở góc bàn bên cạnh, chị Nguyễn Thị Thu (TP Tuy Hòa) cho biết, tháng 6/2019 chị đến Hana đăng kí làm liệu trình xóa chân mày cũ, làm chân mày mới với giá bảy triệu đồng. Theo quảng cáo, đó là đợt khai trương nên “được giảm 50%”, còn 3,5 triệu.

Khi tư vấn, nhân viên Hana nói rằng: “Cam kết sẽ xóa sạch chân mày cũ, làm lại cái mới. Nếu có vấn để tổn thất gì, Hana chịu trách nhiệm và hoàn tiền lại 100%”.

Sau khi làm hai lần, nhân viên Hana bắn laser để xóa chân mày cũ thì bắt đầu xuất hiện các vết sẹo lồi lên. Chị phải đi khám ở bệnh viện và điều trị thuốc bên ngoài thì vết sẹo mới giảm. 

Ba tháng sau, chị đến Hana để nói chuyện và đòi Hana phải làm theo cam kết lúc đầu Hana đã hứa. “Thế nhưng, nhân viên Hana đã không trả tiền lại mà còn thái độ rất khinh người với khách hàng”, chị tố. 

“Bây giờ chân mày tôi thế này nên tôi rất mặc cảm, đi đâu tôi cũng đội mũ sùm sụp và lấy tóc che lại để mọi người không nhìn thấy chân mày”, người phụ nữ ấm ức. 

Ngồi cạnh đó, chị Trương Thị Minh ấm ức không kém. Tháng 6/2019, chị đến Hana và nhân viên ở đây tư vấn cho trị liệu trình nám với số tiền 25 triệu và xăm môi ba triệu. Ngoài ra, Hana còn tư vấn cho chị mua mĩ phẩm với giá 10 triệu đồng. “Khi vào đó, tự dưng như bị bỏ bùa mê, nhân viên nói sao mình nghe như vậy chứ cũng không biết đúng hay sai”, chị kể.

Kết quả của việc bỏ ra 38 triệu để “trị nám” tại Hana.
 Kết quả của việc bỏ ra 38 triệu để “trị nám” tại Hana.

Khi tư vấn, Hana cũng cam kết rằng “nếu không điều trị hết nám thì sẽ hoàn trả lại tiền”. Thế nhưng đến giờ phút này, sau năm tháng “điều trị”, mặt chị đã không hết nám mà còn nám nặng thêm. “Bây giờ da mặt thế này tôi mặc cảm lắm, không dám ra đường”. Ngoài ra, môi của chị hiện bị thâm đen, bong tróc nhiều mảnh da chết. 

“Mới đây, tôi đến để đòi lại tiền như bên phía Hana cam kết, thế nhưng, phía Hana lại giở chiêu trò giống như nhiều nạn nhân khác, liên tục hứa hẹn với khách hàng và không hoàn trả tiền lại. Tôi mong Báo PLVN phanh phui đến cùng việc này. Cơ sở này lừa đảo khách hàng, làm ăn phi pháp, không nên tồn tại”, chị nói. 

Luật sư nhận định gì?

Nhận định về sự việc, Luật sư (LS) Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) cho biết, hiện dịch vụ thẩm mỹ được phân làm hai loại hình. Một loại hình không cần và một loại hình cần giấy phép hoạt động.

Loại hình không cần giấy phép hoạt động là các cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày, cơ sở phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ đến cơ quan y tế.

Với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm; chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ; hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động.

“Qua thông tin mà các bài báo PLVN đưa ra thì “Viện thẩm mĩ Quốc tế Hana” thuộc trường hợp phải được cấp giấy phép hoạt động. Bởi vì họ có sự can thiệp vào cơ thể người như chích và sử dụng máy móc thiết bị khác. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động ở đây là Sở Y tế tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, trước khi được cấp giấy phép hoạt động, “Viện thẩm mĩ” này buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp”, LS Thuận giải thích.

Quan điểm của LS Thuận: “Nếu không có giấy phép hoạt động và người thực hiện không có bằng cấp đúng chuyên môn thì có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì họ biết rõ là không có chuyên môn, không được phép hoạt động, nhưng vẫn thực hiện để lấy tiền khách hàng. Theo đó, ý thức của họ ngay từ ban đầu là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật để khách hàng tin là sự thật. Sau đó, họ nhận tiền từ khách”.

Cái gọi là “Viện thẩm mỹ Quốc tế Hana” tại số 141 Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên.
 Cái gọi là “Viện thẩm mỹ Quốc tế Hana” tại số 141 Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên.

Về trả lời của Sở Y tế, LS Thuận cho rằng cơ quan này cần quyết liệt hơn nữa với Hana: “Đọc trả lời của Sở Y tế trên báo thì thấy Sở này đã kiểm tra nhưng lại chưa chỉ ra rõ “Viện thẩm mĩ” này hoạt động cần giấy phép hay không? Có đủ chức năng, chuyên môn sử dụng máy móc hay không? Ngay khi kiểm tra, nếu Hana không thông báo hoạt động đúng luật; hoặc không có giấy phép hoạt động thì phải lập biên bản, đình chỉ hoạt động ngay lập tức. Đến khi nào đủ thủ tục thì sẽ cho phép hoạt động lại”.

“Đồng thời, nếu phát hiện có sự việc như khách hàng phản ánh và không có giấy phép hoạt động, người thực hiện không có bằng cấp chuyên môn thì có thể chuyển ngay hồ sơ đến công an để điều tra làm rõ dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời phải thực hiện việc xử phạt, xử lý. Nếu đã kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sai phạm mà vẫn họ hoạt động thì rất kỳ lạ”, LS Thuận nêu quan điểm.

Trong vụ việc này, LS Thuận cho biết các nạn nhân cũng có thể gửi đơn đến công an để yêu cầu điều tra, làm rõ.

(Tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi)

Đọc thêm