Gout hay còn gọi Thống phong là căn bệnh thời đại, khi mức sống được nâng cao tỉ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Đây là bệnh do sự lắng đọng acid uric trong khớp gây viêm khớp và trong các mô. Gout là hậu quả của tăng acid uric máu kéo dài. Trong cơ thể, acid uric được tổng hợp từ thức ăn, từ sự phá hủy tế bào, tổ chức và/hoặc giảm thải acid uric ra ngoài gây tăng acid uric trong máu mà hậu quả là gây các đợt viêm khớp cấp, về lâu dài có thể gây sỏi thận, suy thận…
Gia tăng số lượng và biến chứng
Theo TS. Tâm, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân gout có chiều hướng gia tăng nhanh, biến chứng nặng. Thực tế điều trị tại nhiều phòng khám chuyên khoa xương khớp cho thấy, gout biến chứng chiếm 4/5 số lượng bệnh nhân phải nằm điều trị. Độ tuổi mắc phải ngày càng giảm. “Có những trường hợp chưa đến 20 tuổi đã được chẩn đoán gout, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh”, TS. Tâm cho biết. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân gout kèm suy thận, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, chi phí điều trị rất tốn kém và chất lượng sống của bệnh nhân giảm sút.
Cũng theo TS. Tâm, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, trong đó chế độ ăn uống thiếu hợp lý, sử dụng rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân chính làm tăng acid uric máu – nguyên nhân gây bệnh gout. Một nguyên nhân nữa là nhận thức về bệnh gout của người dân Việt Nam thấp. Đa số bệnh nhân mắc bệnh gout chỉ đến bệnh viện khi sưng đau khớp và nhiều người bệnh quan niệm điều trị bệnh là phải “tiêm thuốc” để “bệnh khỏi hẳn” trong khi gout là bệnh mạn tính điều trị suốt đời.
Thực tế điều trị tại Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E cho thấy, tuyệt đại đa số bệnh nhân gout chưa có ý thức kiểm soát acid uric máu thường xuyên và không tuân thủ điều trị. Trong khi đó, bệnh gout nếu điều trị không đúng, không kiểm soát tốt acid uric máu sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề như biến dạng khớp bàn tay và bàn chân có các cục tophi, sỏi thận, suy thận, các bệnh tim mạch và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Một nguyên nhân nữa là việc chẩn đoán bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở y tế tuyến dưới ở giai đoạn gout cấp thường bị bỏ qua chẩn đoán, đặc biệt trong trường hợp kết quả xét nghiệm acid uric máu không cao. Vai trò phân tích dịch khớp để tìm tinh thể urat khó thực hiện được. Tiếp đến là tình trạng lạm dụng thuốc, một số thuốc có ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric máu và gây ra những cơn gout cấp.
Cần ngăn chặn và phát hiện bệnh sớm
Phát hiện sớm để kiểm soát bệnh kịp thời là cách điều trị/phòng ngừa bệnh gout tốt nhất hiện nay. Phát hiện sự tăng cao của hàm lượng acid uric máu là cách phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh gout. Thực tế, không phải ai có hàm lượng acid uric máu cao cũng bị bệnh gout, tuy nhiên tăng acid uric máu kéo dài có nguy cơ gây bệnh gout. Lượng acid uric máu bình thường nam giới từ 210 – 420 μmol/l, nữ 150 – 350 μmol/l.
Cũng có những dấu hiệu báo hiệu của cơn gout cấp sắp xảy ra, bệnh nhân có thể nhận biết. Đó là tình trạng khó chịu, cảm giác nặng chân, co rút các cơ, mỏi ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân, tê bì ngón chân, đau đầu, đau thượng vị, tiểu nhiều... Đây là thời điểm tốt để điều trị phòng ngừa, không cho cơn gout cấp khởi phát. Nam giới trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, nếu có các triệu chứng sưng đau khớp, cần đến các thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn.
Việc điều trị gout gồm đẩy lui các cơn gout cấp, ngăn ngừa các cơn gout xảy ra bằng các loại thuốc như colchicine, kháng viêm giảm đau, thuốc ức chế sự hình thành aacid uric, chế độ ăn kiêng các loại thực phẩm có quá nhiều đạm như đồ biển, gan, thận, rượu bia..., uống nhiều nước và kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicacbonat (sodium bicarbonate). Tuy nhiên không nên quá hạn chế ăn uống vì thuốc có thể kiểm soát nồng độ acid uric trong máu. Ngoài ra, cần theo dõi nồng độ acid này định kỳ.
|
Tiến sỹ Mai Thị Minh Tâm (Phó Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E) |
Tuy nhiên, theo TS.Tâm, một thói quên hết sức nguy hiểm của bệnh nhân gout Việt Nam hiện nay là sử dụng thuốc một cách tùy tiện. Ai giới thiệu thuốc gì cũng uống, kể cả những loại thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó nhiều loại giảm đau nhanh nhưng có thể có thành phần độc hại, sử dụng lâu ngày gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cách phòng và điều trị bệnh Gout
Với những người có nguy cơ cao bị bệnh gout, khi phát hiện có những biểu hiện bệnh, nhất là ở những người thường xuyên ăn nhậu, nên đi khám để được tư vấn và điều trị sớm tránh để bệnh chuyển sang mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phòng tránh cơn gout cấp, ngoài uống thuốc colchicin (chỉ định của thầy thuốc), cần tránh các yếu tố khởi phát bệnh như ăn chế độ giảm đạm phù hợp tình trạng cơ thể, không uống rượu bia, đi giày quá chật, tránh nhiễm trùng, các sang chấn, dự phòng cơn gout cấp sau phẫu thuật.
Về cơ bản, chế độ ăn của người bị bệnh gout là hạn chế lượng Purin đưa vào cơ thể. Không kiêng quá mức gây thiếu protein sinh ra các bệnh lý khác nhưng cũng không ăn nhiều quá thúc đẩy bệnh gout diễn biến nặng nhanh. Ăn ít hoặc không ăn các loại thực phẩm giàu Purin như phủ tạng động vật, thịt có màu đỏ, thịt thú rừng, hải sản. Ưu tiên ăn các loại cá nước ngọt, thịt lợn, thịt gia cầm với tổng lượng khoảng 100gr/24h. Ăn nhiều rau xanh sạch. Với chế độ ăn bình thường cơ thể tạo ra khoảng 300mg muối urat, nhưng với chế độ ăn kiêng chỉ tạo ra khoảng 100mg muối urat.
Người bị bệnh gout không nên uống rượu bia, nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng kiềm. 75 - 80% lượng muối urat được đào thải qua đường tiết niệu nên hàng ngày bệnh nhân gout cần uống nhiều nước với tiêu chí đi tiểu nhiều hơn 2lít/24h. Để phòng ngừa và chữa sỏi urat ở đường tiết niệu cần uống nước khoáng kiềm. Nước khoáng kiềm làm tằng cường đào thải muối urat qua đường tiết niệu và giảm lắng đọng hình thành sỏi thận.
Nhằm tránh thoái hóa khớp cũng như cứng dính khớp do gout gây nên cần tăng cường vận động nhẹ nhàng. Các môn thể dục thể thao được khuyến cáo với bệnh nhân gout là đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, Thái cực quyền, yoga… Vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường máu lưu thông làm giảm sự lắng đọng muối tại khớp, tổ chức cạnh khớp, làm tan muối đã lắng đọng tại khớp và cục tophy. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập luyện trong thời gian bệnh tái phát. Trong giai đoạn này, chỉ nên đi lại nhẹ nhàng kết hợp với chườm ấm, xoa bóp để giảm bớt các triệu chứng đau.
Theo những ghi nhận tại bệnh viện cho thấy, đa phần bệnh nhân gout không tuân thủ đầy đủ khuyến cáo trong điều trị, khiến bệnh diễn tiến phức tạp, liên tục gây biến dạng khớp, tàn phế sớm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bên cạnh việc phòng ngừa sớm bệnh gout trong cộng đồng, việc đưa bệnh nhân vào chương trình quản lý bệnh mạn tính sẽ giúp người bệnh tuân thủ tốt hơn các yêu cầu khám định kỳ, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, tập luyện…