Ấn Độ: “Những tấm bản đồ không thể làm thay đổi thực tế”

(PLO) - Chính phủ Ấn Độ vừa lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với tấm bản đồ mới phát hành của Trung Quốc (TQ), theo đó khẳng định rõ ràng rằng chỉ một tấm bản đồ sẽ không thể thay đổi được những thực tế trên mặt đất. 
Tờ India Express ngày 29/6 đưa tin, phát biểu trước truyền thông Ấn Độ sau các cuộc hội đàm song phương giữa Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường khi ông Ansari đang có chuyến thăm TQ, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sujatha Singh cho biết, các nhà lãnh đạo của 2 nước đã nhất trí rằng việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới Ấn Độ - TQ là điều quan trọng nhất để mối quan hệ giữa 2 nước tiếp tục phát triển và thịnh vượng. 
Tuy nhiên, khi được hỏi về tấm bản đồ gây tranh cãi mà TQ mới phát hành, bà Singh tuyên bố: “Một tấm bản đồ không thay đổi được các thực tế trên mặt đất. Lập trường của chúng tôi đối với các khu vực này đã rất rõ ràng”. 
Tấm bản đồ mới phi lý của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Tấm bản đồ mới phi lý của Trung Quốc. Ảnh: Internet 
Trước đó, trong một phát biểu khác được đưa ra ngày 28/6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng bác bỏ tấm bản đồ mới được TQ phát hành với phần lớn bang Arunachal Pradesh được khoanh vào phần lãnh thổ của TQ. Thủ hiến bang Arunachal Pradesh Nabam Tuki cũng đã lên tiếng phản đối việc công bố tấm bản đồ mới của TQ và chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với bang này.  
TQ tuyên bố chủ quyền đối với một vùng đất rộng 90.000km2 tại khu vực phía Đông Đường kiểm soát thực tế (LAC) dọc dãy Himalaya – được xem là đường biên giới hiện tại giữa 2 nước, trong đó có bang Arunachal Pradesh. Ấn Độ thường xuyên tổ chức các cuộc bầu cử ở Arunachal Pradesh và quản lý như một bang của nước này trong nhiều thập kỷ qua. 
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với bang này và gọi là “Nam Tây Tạng”. Trước đây, TQ từng từ chối cấp thị thực cho người Ấn Độ từ bang Arunachal Pradesh với lý do họ không cần phải được cấp phép mới được vào TQ. 
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn cáo buộc TQ đang chiếm đóng bất hợp pháp một phần của các bang Jammu và Kashmir và vài lần xâm phạm lãnh thổ của Ấn Độ. Lần gần đây nhất New Delhi cáo buộc binh lính Ấn Độ xâm nhập nước này hôm 24/6. Theo các chuyên gia, tấm bản đồ mới gây tranh cãi và vụ xâm nhập của binh lính TQ có thể làm tổn hại đến những nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ song phương dưới chính quyền mới ở New Delhi.
Trung Quốc cần từ bỏ cách hành xử kiểu thực dân
Trên tạp chí The Diplomat, nhà báo Luke Hunt cho rằng, TQ đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng lãnh thổ của mình kể từ khi đệ trình lên Liên Hợp quốc tấm bản đồ đường 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền của mình, bất chấp luật pháp quốc tế, các công ước hiện đại và những đường biên giới chủ quyền đã được thừa nhận. 
Những tuyên bố chủ quyền của TQ hiện nay đã lấn vào những khu vực từ lâu đã được xem là lãnh thổ của các nước láng giềng. Việc TQ đòi tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích biển Đông được nhà báo này ví như cách hành xử của một cường quốc thực dân ở thế kỷ 16.
Theo nhà báo Hunt, trong khi thách thức quyền tự do ra vào khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường bờ biển của các nước khác, chính quyền TQ bên cạnh đó cũng đang thực hiện chính sách không để chỗ cho các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những tranh chấp. Trong bối cảnh này, các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hay thậm chí là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sẽ khó có thể đạt được và thực thi hiệu quả, ít nhất là cho đến khi TQ có cách tiếp cận phù hợp hơn với vị thế của một cường quốc trong thế kỷ 21./.

Đọc thêm