Về việc một “bác sĩ” tên Thắng của Khoa Cấp cứu được cho rằng nói với người nhà bệnh nhân là: “Cứ yên tâm, có mệnh hệ gì bên tôi chịu trách nhiệm”; ông Thiền nói: “Anh Thắng có nói câu đó, nhưng anh Thắng là điều dưỡng chứ không phải bác sĩ. Điều dưỡng thì chỉ thực hiện các y lệnh của bác sĩ, nên điều dưỡng không có thẩm quyền gì về việc chịu trách nhiệm hay không”. Ông Thiền nói một câu khá khó hiểu: “Trong hoàn cảnh đó, bản chất sự việc như thế nào thì anh Thắng mới nói như vậy?”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sáng ngày 20/11, sau khi Báo PLVN đăng tải bài viết: “Bệnh viện huyện Sơn Hòa (Phú Yên): Đưa bệnh nhân tắt thở đi chuyển viện để làm gì?”, thì chiều cùng ngày, Ban Giám đốc Bệnh viện Sơn Hòa có đến nhà bệnh nhân để thương lượng và bồi thường số tiền 75 triệu đồng. Sau đó, gia đình bệnh nhân đã viết giấy bãi nại cho bệnh viện.
Về sự việc này, ông Thiền xác nhận hai bên đã thỏa thuận như vậy: “Bệnh viện có đóng các khoản bảo hiểm, trong vấn đề này thì bảo hiểm chi trả các khoản đó nên bệnh viện có khoản bù đắp cho người nhà”.
|
Giấy bãi nại mà hai bên đã thỏa thuận với số tiền 75 triệu |
Khi PV hỏi rằng: “Nếu bệnh viện không sai thì sao lại bồi thường cho người nhà? Những trường hợp khác nếu không đưa lên báo công khai cho dư luận thì có bồi thường như vậy không?”, ông Thiền từ chối trả lời câu hỏi này.
Về phía Cơ quan điều tra, Đại tá Huỳnh Hữu Lập, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, Công an huyện đang xác minh vụ việc, chờ kết luận và giám định.
Như PLVN đã thông tin trước đó, cho rằng Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa thiếu trách nhiệm gây ra cái chết oan uổng cho cháu mình, ông Võ Kim Sơn (SN 1970, trú thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, Sông Hinh) đã làm đơn tố giác sự việc. Cháu Nguyễn Văn Đan (SN 2008, mất tại Bệnh viện Sơn Hòa ngày 10/11), nhập viện vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Sơn Hòa vào 4h sáng ngày 10/11 trong tình trạng sốt nhẹ. 7h sáng, gia đình thấy cháu Đan không ổn, liên tục co giật và nôn ói nên năn nỉ bác sĩ chuyển viện lên tuyến trên nhưng bác sĩ không đồng ý.
8h sáng cùng ngày, gia đình phát hiện dấu hiệu cháu Đan đã mất, ngưng thở. Đến lúc này Bệnh viện mới đưa cháu lên xe cấp cứu để chuyển viện. Khi đi được một đoạn, gia đình không chịu vì biết cháu đã mất nên phản ứng dữ dội, yêu cầu xe quay lại Bệnh viện Sơn Hòa. “Trên xe cấp cứu, tôi nói là nếu không quay lại Bệnh viện thì tôi đập cửa xe, đưa cháu tôi về vì lúc đó cháu đã mất rồi mà chuyển đi đâu nữa. Lúc đó xe mới quay lại”, ông Sơn cho biết.