Bệnh trầm cảm nguy hiểm thế nào?

(PLVN) - Những năm trở lại đây, tình trạng người dân mắc bệnh trầm cảm ở nước ta liên tục tăng. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Bệnh trầm cảm nguy hiểm thế nào?

Những con số kinh hoàng về bệnh trầm cảm

Theo thống kê của Bộ Y tế đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khi phát hiện thì bệnh đã nặng, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Tại buổi trò chuyện “Trầm cảm - chuyện không của riêng ai” và ra mắt “Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội hồi đầu năm 2019, các chuyên gia tham dự đã trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch).

Mặc dù có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng trầm cảm chỉ là một phần của các chứng bệnh tâm lý ở người trẻ như lo âu, căng thẳng, bạo lực, tăng động rối loạn giới tính đang diễn ra hằng ngày ở trường học và gia đình.

Theo nghiên cứu, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên.

Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 - 29. Việc sử dụng rượu và ma túy gây hại trong thanh, thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia, có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ khác như có quan hệ tình dục hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn.

Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy, khoảng 8% - 29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm thần được định nghĩa là sự kết hợp của những suy nghĩ bất thường, quan niệm, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người khác.

Ngoài những rối loạn về mặt sinh học (chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực, tâm thần phân liệt...), sức khỏe tâm thần, cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo báo cáo của nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu.

Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng chống

Bệnh trầm cảm là rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc; không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.

Triệu chứng, biểu hiện của trầm cảm khá đa dạng và khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như khi bị trầm cảm, có người sẽ ngủ nhiều hơn, có người lại rất khó ngủ hoặc có người thì ăn nhiều hơn, trong khi một số người lại mất cảm giác ngon miệng khi ăn.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu trầm cảm nhẹ thường xuất hiện như. Không thể tập trung, luôn có cảm giác mệt mỏi, buồn hoặc trống rỗng, hay cảm thấy tuyệt vọng, dễ bị kích động, lo lắng hoặc cảm thấy có lỗi, mất hứng thú với việc quan hệ tình dục, nhức đầu, đau bụng hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa...

Trầm cảm nghiêm trọng có thể dẫn đến ý định tự tử, hoặc cố tìm cách tự tử. Có thể có các dấu hiệu và biểu hiện trầm cảm khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu nhận biết bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, trong đó không thể không kể đến việc người bệnh sử dụng quá nhiều thuốc lá. Người có khuynh hướng dễ bị trầm cảm thường có thói quen hút thuốc lá nhiều hơn người bình thường.

Tuy nhiên, lượng nicotine trong khói thuốc có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não, làm tăng lượng dopamine và serotonin giống như cơ chế của các thuốc chống trầm cảm. Điều này có thể lý giải tại sao thuốc lá lại có bản chất gây nghiện và khi cai thuốc, người bệnh lại có thể bị thay đổi cảm xúc, cũng như lý giải được việc tại sao trầm cảm lại đi kèm với việc cai thuốc lá.

Nghiện mạng xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Người dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội có thể liên quan với bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở thanh, thiếu niên và trẻ nhỏ. Nghiện Internet khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tương tác với mọi người trong thực tế, thiếu tình bạn và dẫn đến tình trạng có cái nhìn sai lệch về cuộc sống. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Một nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, khi những người khỏe mạnh bị thiếu ngủ, não của họ sẽ hoạt động nhiều hơn sau khi nhìn thấy những bức ảnh đau buồn so với những người được nghỉ ngơi đầy đủ. Cơ chế hoạt động của não lúc này cũng tương tự như hoạt động của não ở những người trầm cảm.

Nếu con người không ngủ đủ giấc, não sẽ không có đủ thời gian để thay thế các tế bào não. Do vậy, não sẽ không hoạt động tốt, và đây là một trong số những nguyên nhân chính gây trầm cảm. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến căn bệnh trên.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay con số bệnh nhân trầm cảm đến khám bệnh ngày càng đông. Tại những thành phố lớn, lượng bệnh trầm cảm, lo âu là rất cao so với những nơi khác.Tuy nhiên, điều này chưa thể nói rằng tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm ngày càng gia tăng, nhưng chúng ta có thể nhận thấy việc người ta càng ngày càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.

Điều nguy hiểm nhất đối với bệnh trầm cảm là, nhiều gia đình xem yếu tố sang chấn bên ngoài là nguyên nhân chính gây trầm cảm. Do đó họ chỉ tập trung vào vấn đề cải thiện tâm lý cho bệnh nhân mà không đưa đi điều trị, dẫn đến bệnh nặng vì phát hiện muộn.

Nguy hiểm hơn, người nhà khó phát hiện ý niệm tự sát trong đầu bệnh nhân trầm cảm. Nên nhớ, phần lớn người trầm cảm thường ít chia sẻ. Bên cạnh những triệu chứng về khí sắc, bệnh nhân còn có những triệu chứng ở cơ thể như tim hồi hộp, khó thở, mạch nhanh… làm cả thầy thuốc cũng dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh.

Cũng theo bác sĩ, gần như không có phương pháp phòng chống cụ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt ra một chế độ sinh hoạt hợp lý, cân bằng trong công việc, hoạt động và có những góc nhìn, suy nghĩ cởi mở, tích cực hơn thì ít nhiều sẽ giúp giảm yếu tố thuận lợi bùng phát trầm cảm. Bên cạnh đó yếu tố nâng đỡ của gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện suy nghĩ.

Cách điều trị

Để điều trị bệnh trầm cảm điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biểu hiện của bệnh, sau đó người bệnh cần đến các chuyên khoa tâm thần để thăm khám trực tiếp. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, chuyên gia y tế sẽ tư vấn hướng điều trị thích hợp.

Với Tây y, người bệnh sau khi thăm khám và chẩn đoán mắc trầm cảm. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh và các triệu chứng khác mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Ngoài ra sẽ kết hợp với dùng thuốc là áp dụng liệu pháp tâm lý, giúp người bệnh giải tỏa những vướng mắc trong cuộc sống.

Trong Đông y không có tên “bệnh trầm cảm”. Bệnh trầm cảm theo Đông y nằm trong phạm trù “chứng uất”. “Chứng uất” trong Đông y là nói đến một nỗi buồn, sự tức giận, hờn ghen, sự ganh ghét,... một cái gì đó mà người bệnh không giải quyết được. Điều trị trầm cảm hay “chứng uất” theo Đông y bao gồm nhiều phương pháp như: Tập luyện, châm cứu, sử dụng các vị thuốc an thần gây ngủ, có tác dụng trấn tĩnh, giải uất kết hợp với các thuốc bổ huyết, sơ can giải uất,… 

Đọc thêm