Thông tin đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Sậu (ngụ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình bà rất bức xúc trước cái chết bất thường của chồng là ông Lê Văn Bon (69 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long.
Cụ thể ông Bon nhập viện ngày 23/4 đến ngày 29/4 thì được bệnh viện đưa thi thể về nhà. Từ khi ông Bon qua đời đến nay, bà và các con vẫn không biết ông chết vì nguyên nhân gì.
“Âm thầm” đưa thi thể bệnh nhân về nhà
Theo bà Sậu, vợ chồng bà có mua bảo hiểm ở BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Hàng tháng, nhân viên bệnh viện đều gọi điện thoại kêu ra khám bệnh, nhưng “chẳng hiểu sao lần nào ra khám bác sĩ cũng kêu mổ”. “Hôm trước, đi khám định kỳ, bác sĩ nói van tim ông Bon có vấn đề, phải mổ liền nếu không có thể chết bất kỳ lúc nào”, bà Sậu nói.
Tiếp lời bà Sậu, chị Lê Ngọc Hạnh (con gái ông Bon) cho biết, ba chị rất khỏe mạnh và minh mẫn. Mặc dù được chẩn đoán là bị bệnh tim nhưng chỉ ở mức nhẹ. “Ba tôi lên Bệnh viện 115 TP HCM khám, bác sĩ nói không có gì nghiêm trọng và không cần mổ nên gia đình yên tâm. Chẳng hiểu sao mỗi lần khám định kỳ ở BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long là bị kêu mổ. Đợt này gia đình đồng ý cho ba mổ nhưng không ngờ ba lại đi luôn như vậy”, chị Hạnh không kiềm được nước mắt.
Điều khiến gia đình bức xúc là “trước khi phẫu thuật, bác sĩ nói sức khỏe ba tôi đạt 99% nên mổ khoảng 5-7 ngày sẽ khỏe, người nhà cứ yên tâm, chứ chờ khi sức khỏe yếu mổ mất sức lắm”. Bác sĩ bị cho là còn nói “nếu mổ hở thì vết thương dài, phải cưa xương, khuyên gia đình nên mổ nội soi. Tuy nhiên, cần phải mua bộ nội soi 20 triệu đồng”.
Theo lời chị Hạnh, bác sĩ còn giải thích, mổ nội soi kéo dài khoảng 4-6 tiếng, vết mổ tầm khoảng 3-5cm. Nhưng thực tế, ca mổ kéo dài hơn 12 tiếng và có diễn biến xấu mà người nhà cũng không được thông báo.
Chị Lê Ngọc Hạnh (con gái ông Bon) cho rằng ca phẫu thuật có nhiều khuất tất bất thường |
Theo lời kể của gia đình, khi ông Bon tử vong, bệnh viện cản trở không cho người thân nhìn mặt lần cuối. Đồng thời, cũng không yêu cầu làm thủ tục để đưa người thân về nhà mà “âm thầm đưa thi thể ba tôi xuống bằng đường thang máy có trong phòng phẫu thuật ra xe để chở về nhà. Lúc đó công an đến và gọi yêu cầu chở thi thể quay lại bệnh viện nhưng không được. Tại sao lại có hành động kỳ quặc như vậy!?”, chị Lê Thị Ngọc Phương (con gái ông Bon) đặt câu hỏi.
Những dấu vết bất thường
Chưa hết, gia đình còn trình bày: Khi thi thể ông Bon được đưa về thì mới phát hiện vết mổ không phải 3-5cm như bác sĩ nói mà có một vết mổ lớn, thâm đen dài khoảng gần 20cm giữa ngực. Dưới phần đùi còn có một vết mổ khác.
“Phải lúc đầu nói mổ vết thương lớn và nguy hiểm thì gia đình tôi đâu có đồng ý. Bác sĩ “nói một đằng, làm một nẻo” làm chết ba tôi, không nói không rằng trốn mất tiêu”, những người con của ông Bon bức xúc.
Đến giờ, những người con của ông vẫn chưa tin ba mình đã ra đi. Ngồi nhớ lại, chị Hạnh kể: “Ba tôi đâu có chịu mổ, hôm vào nhập viện ba trốn về nhưng gia đình lại kêu trở vô”. Cầm điện thoại xem đoạn video clip quay hình ảnh ông Bon trong tiệc đám giỗ trước ngày nhập viện vẫn còn tươi tắn, khỏe mạnh, gia đình ai nấy đều rưng rưng.
“Ba còn nói chuyện kìa chị! Ba còn nói chuyện kìa má!”. “Phải chi sức khỏe ba tôi yếu mà mổ bị như vậy tôi không tức. Đằng này ba tôi còn rất khỏe mạnh, ăn uống bình thường, mấy bữa trước còn ăn một cái rưỡi bánh xèo, thêm 6-7 cái bánh khọt, phở thì ăn một tô rưỡi mới no thì ai tin chuyện này được”, chị Hạnh nói. Về phía gia đình, bà Sậu yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thỏa đáng. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của bệnh viện, bác sĩ khi để xảy ra sự việc trên.
Trong khi đó, qua thông cáo báo chí, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long cho rằng: Ông Bon nhập viện trong tình trạng nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Bác sĩ chẩn đoán bị hẹp khít van động mạch chủ có nguy cơ gây đột tử.
“Sau khi được sự thống nhất của gia đình, bệnh viện tiến hành kiểm tra tiền phẫu thì các chỉ số sức khỏe nằm trong giới hạn cho phép. Cuộc mổ thay van tim diễn ra theo thông thường, thay van tim thành công cho người bệnh. Nhưng vì thể trạng riêng của người bệnh dẫn đến nhịp tim không ổn định, tim suy cấp. Bệnh viện đã có những xử lý kịp thời để nỗ lực hồi phục nhưng tình trạng suy tim cấp trở nặng nên người bệnh không qua khỏi”, thông cáo nêu.
Tuy nhiên, ý kiến này lại hoàn toàn trái ngược với những thông tin gia đình nạn nhân cung cấp. Bà Sậu và các con đều khẳng định, ông Bon vào bệnh viện khám định kỳ trong tình trạng khỏe mạnh chứ không có việc “nặng ngực, khó thở khi gắng sức”. Đồng thời, trên thực tế điều mà gia đình bức xúc là quá trình phẫu thuật xảy ra diễn biến xấu nhưng bác sĩ lại không cho người nhà biết; bác sĩ nói và làm không thống nhất.
Ngoài ra, khi bệnh nhân tử vong, phía bệnh viện lại có quá nhiều hành động bất thường làm người nhà phải đặt nghi vấn. Còn thực tế, ông Bon có tử vong do “thể trạng riêng dẫn đến nhịp tim không ổn định, tim suy cấp” hay không, thì chỉ cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể làm rõ.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc.