Bí ẩn pho tượng Phật “đổi màu đổi sắc” và chiếc lư hương hiếm có

(PLO) - Không chỉ nổi tiếng với hàng ngàn chiếc cối đá có niên đại cả trăm năm, vừa qua vị “đại gia” đồ cổ đất Khánh Hòa còn “trình làng” hai “báu vật” khiến hàng ngàn người từ khắp nơi tìm đến chiêm ngưỡng. Đó là bức tượng Phật bằng đồng chuyển màu và chiếc lư hương đồng da cua, hai bảo vật được giới chuyên gia đánh giá là “xưa nay hiếm”.

Chiếc lư hương đồng da cua.
Chiếc lư hương đồng da cua.
Chủ nhân “làng cối đá xưa”
Đến phường Vĩnh Ngọc (TP.Nha Trang) hỏi nhà anh Huỳnh Hữu Lộc (SN 1974), chủ nhân của “làng cối đá xưa” thì không ai là không biết. Với hơn 5.200 bộ cối đá được trưng bày khắp các lối đi và trong căn nhà gỗ cổ xưa, người thanh niên này đã trở nên “nổi tiếng” khắp trong ngoài vùng. Để có được những bộ cối đá có niên đại hàng trăm năm tuổi này, anh đã phải mất gần 20 năm sưu tập và mất không ít tiền của để thỏa sức đam mê của mình. 
Trong số đó, bộ cối đá hiếm nhất có niên đại hơn 200 năm, các bộ khác có niên đại trên dưới trăm năm được bài trí xen kẽ với những bộ chum cổ, những cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi cũng được sưu tầm từ khắp mọi miền trên đất nước.
Không chỉ nổi tiếng là “ông vua cối đá”, anh Lộc còn vừa “trình làng” hai báu vật khiến đông đảo người dân khắp nơi kéo đến chiêm ngưỡng. Hai báu vật đó là chiếc lư hương bằng đồng da cua và pho tượng phật cổ bằng đồng nguyên chất có thể chuyển màu theo ánh sáng, nhiệt độ. Theo đánh giá, chất liệu dùng để chế tác hai cổ vật này rất hiếm và đã thất truyền từ lâu đời. 
Anh Lộc chia sẻ, bức tượng Phật quý hiếm là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nguyên thể thuộc dòng Phật giáo Mật tông hệ Kim Cang Thừa. Pho tượng được đúc bằng đồng nguyên chất hiếm thấy, nặng 9kg, chiều cao khoảng 52cm, rộng 17cm. Hoa văn trên tượng theo phong cách Đôn Hoàng thời Đường (Trung Quốc), tay trái an úy ấn, tay phải hộ thân ấn, có niên đại hơn 300 năm. Điều đặc biệt là tượng được đúc từ loại đồng đổi màu, diện đổi sắc hiếm thấy, đã thất truyền từ rất lâu.
Lúc mặt trời chưa lên, tượng Phật có màu đen của đồng, màu xám lông chuột. Khi bình minh vừa lên thì tượng đồng chuyển sang gam màu vàng với các cung bậc khác nhau từ nhạt đến đậm dần, và đến giữa trưa thì tượng đổi sang màu cánh gián, màu đỏ thắm pha với xanh da trời. Từ khoảng 15h-17h, tượng đồng đổi sang màu xanh tím, xanh đen và màu xám lông chuột. Và khi màn đêm buông xuống, bức tượng trở về màu đồng đen ban đầu. Khi bật đèn, pho tượng đồng quý này sẽ chuyển dần từ màu đen sang màu cánh gián, rồi xám lông chuột và cuối cùng sẽ hòa quyện màu sắc thành hình cầu vồng đa sắc. 
Điều kì lạ khác khiến bức tượng trở nên vô giá, theo như anh Lộc cho biết đó là sự biến sắc trên nét mặt của vị Quan Thế Âm theo ánh sáng. Tương ứng với độ ánh sáng chiếu vào lồng kính chứa cổ vật mà sắc mặt của bức tượng sẽ thay đổi theo. Theo đó, khi chưa có ánh điện chiếu sáng trong căn phòng, sắc diện của bức tượng dường như rất khắc khổ, vẻ mặt đau đớn. Nhưng khi sáng dần lên thì từ khuôn mặt khắc khổ trên tượng Phật sẽ tươi dần, khi bật hết các ánh đèn chiếu sáng trong phòng thì mọi người đều nhìn thấy khuôn mặt của vị Bồ Tát đang cười trong lồng kính.
Pho tượng đổi màu, đổi diện.
 Pho tượng đổi màu, đổi diện.
Cũng theo như anh Lộc cho biết, trong thời gian qua, nhiều nhà Phật học từ các chùa đã đổ về đây phần vì muốn tận mắt chứng kiến một pho tượng có một không hai này, phần vì muốn tìm hiểu ý nghĩa tâm linh thay đổi trên nét mặt của vị Quan Thế Âm Bồ Tát này. “Có nhiều vị cao tăng khi nhìn vào sắc diện thay đổi trên khuôn mặt của bức tượng Phật cổ hiếm có này cho rằng, với sự thay đổi nét mặt kì diệu này có thể nói là nó đã hội tụ đầy đủ tất cả các cung bậc cảm xúc của cuộc đời một con người. Phải dùng từ “báu vật của báu vật” để nói về bức tượng Phật này”, anh Lộc xúc động nói.
Báu vật từ hoàng cung
Ngoài bức tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát đổi sắc đổi diện bằng đồng ra là chiếc lư hương cổ bằng đồng có niên đại trên 300 năm tuổi. Theo như anh Lộc cho biết, chiếc lư hương này được sử dụng vào thời vua chúa, được làm bằng loại đồng da cua quý hiếm, một chất liệu chế tác đã thất truyền cách đây rất nhiều năm. Đường kính của chiếc lư hương khoảng 47cm, chiều cao 27cm, dưới đáy có chạm 4 chữ “Ngọc Đường Thanh Ngoạn” bằng chữ Hán. 
Hai báu vật này anh Lộc thừa hưởng từ cha mình là ông Huỳnh Minh, người Huế. 6 tuổi ông Minh đã vào cung làm người hầu cho Đức Từ Cung ở cung Diên Thọ. Trong một lần đến viếng thăm hoàng hậu, vị tăng thống Thích Tịnh Khiết thấy cậu bé Huỳnh Minh có khuôn mặt hiền lành, lại khôi ngô nên xin cho ông được xuất gia theo bên cạnh mình với pháp danh Thích Y Nguyện. Đến năm 40 tuổi, vì lí do sức khỏe và nhiều lí do khác nên ông Minh không tu tập nữa mà xuất gia xây dựng gia đình. Trước khi hoàn tục, ông được một người trong cung trao tặng hai báu vật và dặn phải cất kĩ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cách đây ít ngày, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm (Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Đà Nẵng), một chuyên gia sưu tầm và phụng thờ hơn 200 pho tượng cổ ở chùa Phổ Đà (Đà Nẵng) đã đến thăm và cho rằng, rất có thể đây là pho tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt đối với nền văn hóa Phật giáo ở nước ta. 
Trước đó, tháng 8/2014, một nghệ nhân đúc đồng ở Hà Nội là ông Lê Văn Khang cũng đến tận nhà anh Lộc chiêm ngưỡng bức tượng đồng “có một không hai” này. Theo như ông Khang cho biết, đây là hai bảo vật rất hiếm không những đối với Việt Nam mà trên cả thế giới bởi chất liệu đồng đổi màu cho đến nay đã không còn nữa.
Trong những ngày vừa qua, đông đảo người dân đã tìm đến nhà anh Lộc để tận mắt chứng kiến sự kì diệu của hai bảo vật có một không hai này. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của pho tượng Phật cũng như chiếc lư hương bằng đồng này đến nay vẫn còn là bí ẩn. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm những nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học cùng các cơ quan chuyên môn vào cuộc thẩm định để có câu trả lời xác đáng./.