Con số 275,3 tấn phân thiếu hụt ở đâu ra?
Như đã nêu trong bài viết trước, Hoàng Trung Tuyến (SN 1975,trú tại thôn Điềm He 2, xã Văn An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) ký hợp đồng làm thủ kho của Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Lạng Sơn (gọi tắt là Cty Vật tư Nông nghiệp) chi nhánh huyện Văn Quan.
Cuối tháng 4/2016, qua quan sát hàng hóa trong kho có dấu hiệu thiếu hụt bất thường,từ ngày 3/5/2016 đến 12/5/2016, ông Hoàng Phòng Kầm – trưởng chi nhánh đã cho điều chuyển bớt phân ở kho do Tuyến quản lý để tiến hành kiểm kê.
Kết quả kiểm kê hàng hóa ngày 12/5/2016 cho thấy số lượng phân bón thực tế có trong kho tại thời điểm kiểm đếm thiếu hụt so với số lượng ghi chép trên sổ sách, báo cáo 275,3 tấn. Bản án Hình sự sơ thẩm số 71/2017/HSST kết án Tuyến 14 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, HĐXX lại chưa làm rõ sự mâu thuẫn rất lớn trong các số liệu báo cáo. Theo đó, chỉ tiêu giao cho ông Tuyến bán hàng trong cả năm 2016 là 600 tấn phân bón nhưng chỉ tính đến thời điểm kiểm kê (giữa tháng 5/2016) đã bán được hơn 452 tấn. Đặc biệt, số liệu thiếu hụt lại chủ yếu rơi vào khoảng 10 ngày đầu tháng 5/2016 là điều rất không bình thường.
Ngoài ra, theo lời khai của bị can thì kho hàng chỉ chứa được khoảng 300 tấn nhưng các số liệu trên báo cáo lại lên đến 400-500 tấn. Đây là 1 tình tiết quan trọng giúp làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Thế nhưng, điều khó hiểu là cơ quan CSĐT mặc dù đã có văn bản đề nghị phía Cty Vật tư Nông nghiệp phối hợp thực nghiệm “để có cơ sở đánh giá chứng cứ của vụ án theo đúng quy định của pháp luật” nhưng sau đó lại không thực hiện?!
Căn cứ theo hợp đồng lao động giữa Tuyến và Cty Vật tư Nông nghiệp thì Tuyến có nhiệm vụ “… bán các loại phân bón… thu nộp tiền đầy đủ”. Kết luật điều tra của CQ CSĐT cũng xác định: Hàng năm, Cty Vật tư Nông nghiệp có tiến hành kiểm kê định kỳ và kiểm kê đột xuất, trong đó có việc “đôn đốc các kho, đại lý nộp tiền cho công ty”. Điều này cũng đúng với thực tế, bởi thông thường, ít khi có thể vừa bán hàng vừa nộp tiền đầy đủ về Cty ngay được.
Như vậy, nếu nhìn ở góc độ dân sự thì Tuyến là người bán hàng cho Cty. Theo đó nếu cho rằng mình là bị hại, thì Cty cần đưa ra được chứng từ về số lượng phân bón đã giao cho Tuyến trừ đi số tiền Tuyến đã nộp và số hàng hóa còn lại trong kho sẽ ra số bị thiếu hụt.
“Thế nhưng, toàn bộ hồ sơ vụ án mà Tòa án cung cấp cho các luật sư lại không hề có các phiếu xuất kho mà phía Cty đã xuất ra, cũng như chứng từ tổng hợp về việc Tuyến đã nộp tiền. Trong khi đây là căn cứ mấu chốt để đối chiếu ngược và để làm rõ sự thật của vụ án. Bởi lẽ, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các báo cáo kiểm kê của chi nhánh thì rõ ràng sẽ thiếu đi khách quan, vụ án chỉ được xem xét 1 chiều, chưa làm rõ việc Cty có thực sự bị thiệt hại hay không?”, bà Hứa Thị Hoàn (vợ ông Tuyến) trình bày trong đơn kêu cứu.
Ngoài ra bản thân Tuyến cũng nhiều lần khai với CQĐT là: “quá trình Tuyến làm thủ kho từ tháng 4/2007 đến ngày 12/5/2016, Cty, chi nhánh không kiểm kê thực tế mà chỉ lấy số liệu trên sổ sách, báo cáo để làm biên bản kiểm kê”. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải có chứng từ, sổ sách từ phía “bị hại” mới có thể làm rõ sự thật của vụ án.
Chưa chứng minh được hành vi gian dối ?
Quá trình tìm hiểu còn phát hiện, có sự mâu thuẫn cơ bản giữa kết luận điều tra của CQ CSĐT với bản án sơ thẩm của TAND Tỉnh Lạng Sơn. Kết luận 1 đằng nhưng HĐXX lại xử 1 nẻo.
Cụ thể, theo kết luận điều tra (BL 1040) thì “… Hoàng Trung Tuyến đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền bán 275,3 tấn phân bón của Cty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn”.
Thế nhưng, tại bản án Hình sự sơ thẩm số 71/2017/HSST (trang số 8 phần Xét thấy) thì tài sản mà Tuyến chiếm đoạt lại là “275,3 tấn phân các loại”. Rõ ràng, “phân” và “tiền” là hai loại tài sản khác nhau.
Điều này, có dấu hiệu của việc vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, cụ thể ở vụ việc này, để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Tuyến phải có “hành vi gian dối”.
Hoàng Trung Tuyến khi chưa bị bắt giam |
Theo HĐXX thì: “… Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2016-đến ngày 12/5/2016, bị cáo đã xuất 275,3 tấn phân bón các loại khỏi kho nhưng không báo cáo và không gửi tiền về Cty Vật tư Nông nghiệp theo quy định của Cty vật tư Nông nghiệp; đó chính là thủ đoạn gian dối của bị cáo..”.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại không hề thấy có “quy định” nào của Cty về thời gian mà Tuyến phải báo cáo và nộp tiền. Thời gian xảy ra vụ việc lại cũng chưa đến thời điểm Cty kiểm kê định kỳ (1/1 và 1/7 hàng năm). Và như đã nói ở trên, việc các đại lý chậm nộp tiền cũng là điều bình thường nên khi kiểm kê, Cty mới phải “đôn đốc”.
Giả thiết có quy định của Cty mà Tuyến chưa thực hiện đi chăng nữa thì việc Tuyến “không báo cáo và không gửi tiền” trước hết là vi phạm nội quy, cần phải xem xét theo Luật Lao động. Chỉ xét ở hành vi “không báo cáo và không gửi tiền” mà cho rằng đó là “thủ đoạn gian dối” thì e có phần khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Tại trang 7 của bản án sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng: “Không cần thiết phải thực nghiệm điều tra kho hàng của bị cáo Tuyến vì điều đó chỉ để chứng minh bị cáo Tuyến có chiếm đoạt tài sản của Cty Vật tư Nông nghiệp hay không? Nếu kho đó chỉ chứa được 300 tấn hàng nhưng bị cáo lại khai trên sổ sách là 500 tấn hàng thì chứng tỏ là bị cáo đã gian dối để chiếm đoạt của Cty 200 tấn hàng”.
Đây là 1 lập luận có phần “phi logic” và thiếu thực tế. Bởi lẽ, phải là giả thiết ngược lại: kho chứa được 500 tấn hàng mà bị cáo lại khai trên sổ sách là 300 tấn thì mới có thể “ăn gian” được 200 tấn. Tài sản chiếm đoạt phải là “vật chất” có thực, chứ nếu kho chỉ chứa được 300 mà Tuyến lại “ngây ngô” khai trong sổ sách là 500 tấn thì 200 tấn kia chỉ là “bánh vẽ” trên giấy, không có thực thì lấy gì chiếm đoạt?!
Chưa làm rõ được động cơ, mục đích phạm tội?
Nguyên tắc xác định sự thật là 1 nguyên tắc cơ bản của Tố tụng Hình sự. Quá trình giả quyết vụ án thông qua những giai đoạn khác nhau, nhưng các giai đoạn đó đều có mục đích chung là tìm ra sự thật của vụ án. Đây cũng chính là tư tưởng chủ đạo, là nhiệm vụ bao trùm của toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự.
Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là tội với lỗi cố ý. Bị cáo phải có mục đích “chiếm đoạt tài sản”. Số tiền theo kết luận của CQ CSĐT lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Đây là 1 số tiền rất lớn nhất là ở 1 huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, lại chỉ xảy ra trong khoảng hơn 10 ngày. Vậy Tuyến chiếm đoạt để nhằm làm gì? Đây là động cơ phạm tội cần được làm rõ.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng lại chưa làm rõ Tuyến đã sử dụng tiền đó vào mục đích gì mà chỉ nêu chung chung là “sử dụng, chi tiêu vào việc cá nhân”. Cả 2 nội dung mà Tuyến khai trước đó đều đã bị chính cơ quan công an bác bỏ.
Cụ thể, tại buổi làm việc với giám đốc Cty (ngày 15/5/2016, 1/6/2016), Tuyến khai dùng tiền để trả nợ người thân, công thợ làm nhà hết hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra đã xác định Tuyến mới chỉ trả được khoảng 170 triệu (bao gồm cả trả nợ ngân hàng 100 triệu), còn lại vẫn chưa trả.
Tiếp đó, với nội dung Tuyến trình bày: khoảng tháng 7, tháng 8/2015, bà Hoàng Thị Hòa (trưởng chi nhánh thời điểm đó – PV) có nhờ Tuyến mang giúp tiền thu của các đại lý đi nộp vào tài khoản của Cty nhưng trên đường đi, Tuyến đã làm mất, sau đó, Tuyến đã lấy tiền hàng bán được ở Kho để nộp vào cho bà Hòa. “Tài liệu CQĐT đã thu thập xác định nội dung Tuyến trình bày là không có cơ sở”, kết luận điều tra nêu rõ.
Về phần mình, bản thân Tuyến khi khai với cơ quan điều tra và ngay tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng trình bày rằng: “bị cáo không có tội, không được chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân”.
Như vậy, câu hỏi “động cơ nào khiến Tuyến chiếm đoạt tài sản”, có hay không việc Tuyến chiếm đoạt tài sản vẫn chưa được làm rõ.
Qua những nội dung ở trên, có thể thấy, có rất nhiều vấn đề mấu chốt trong vụ án vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được làm rõ, tiềm ẩn việc dẫn đến oan sai.
Cũng cần nói thêm rằng, việc các bị can, bị cáo nhận tội không đương nhiên nghĩa là họ có tội. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong các vụ án oan sai thời gian qua, phần lớn, quá trình điều tra, những người bị oan cũng đã “đều nhận tội”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.