Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, ông Cang cảm ơn HĐXX, VKS đã tạo điều kiện cho mình và các Luật sư (LS) được trình bày về các nội dung liên quan tới vụ án.
“Đứng trước toà hình sự là điều đau xót nhất cuộc đời, đây là điều không ai mong muốn kể cả khách quan hay chủ quan”, ông Cang nói và cho rằng quá trình làm việc không bao giờ cố ý xảy ra sai phạm. “Quá trình công tác hơn 30 năm, bị cáo chưa bao giờ sợ khó, sợ khổ, đổ lỗi cho cấp dưới, cấp trên, dám làm dám chịu”.
Theo ông Cang, sai phạm khi phát hành 9 triệu cổ phần (CP) của Sadeco cho Cty CP Đầu tư & Phát triển Nguyễn Kim là vụ án rất lớn, đã kéo dài hơn 30 tháng từ khi điều tra đến lúc ra toà. Suốt quá trình này, ông cho rằng mình luôn tự giác trong việc giải trình, kiểm điểm trước Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, tập thể và được nhận xét là thành khẩn, nhận sai lầm. Tại CQĐT, ông cũng khai như đã giải trình với Trung ương nên đề nghị HĐXX xem xét về nhận định của VKS trước đó cho rằng mình “quanh co, chối tội”.
Ông Cang cũng cho rằng mình không quen biết, giới thiệu Cty Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco cũng như chỉ đạo trong việc phát hành 9 triệu CP. Thời điểm đó, mỗi ngày ông phải xử lý khối lượng công việc rất lớn và phải có sự tham mưu từ cấp dưới nên không thể tránh được sai sót.
Trong lúc nói lời sau cùng, ông Cang hai lần bị HĐXX ngắt lời đề nghị không nhắc lại những nội dung đã trình bày trước đó trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, ông nói “để bị cáo được nói hết mọi điều trong lòng trước khi bị tước đi quyền công dân”.
Khi nói về truyền thống và đóng góp của gia đình, bản thân, ông Cang xin lỗi các tổ chức Đảng, xin HĐXX cân nhắc toàn bộ nội dung vụ án để ra một “bản án đúng bản chất”.
Ông Cang bị cáo buộc biết việc phát hành vốn của Sadeco phải theo quy định về quản lý vốn Nhà nước, trước khi chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, bán đấu giá... nhưng đã bút phê “đồng ý” để Sadeco phát hành 9 triệu CP giá rẻ cho Cty Nguyễn Kim, gây thiệt hại hơn 1.103 tỷ đồng; trong đó thiệt hại của Nhà nước là 669 tỷ đồng. Ông Cang bị VKS đề nghị mức án 12-14 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Trước đó, là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Tề Trí Dũng cho rằng trong suốt quá trình làm việc tại Sadeco luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa bao giờ có suy nghĩ tư lợi hay có hành vi gây hại cho tài sản Nhà nước. “Bị cáo đã sai khi nhận thức không đầy đủ quy định pháp luật, để xảy ra vụ án rồi phải ra tòa “, bị cáo Dũng nói, “Suốt 2 năm 8 tháng bị tạm giam bị cáo rất ăn năn, hối hận vì sai phạm của mình để rồi phải đối diện với mức án nặng, không thể phục dưỡng cha mẹ, chăm lo cho các con” và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bản thân và cấp dưới để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Là người giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt các hành vi sai phạm tại Sadeco, bị cáo Dũng bị đề nghị 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội Tham ô tài sản, tổng hợp 20-22 năm tù.
Hồ Thị Thanh Phúc (cựu TGĐ Sadeco) là người giữ vai trò sau Dũng, bị VKS đề nghị tòa tuyên phạt 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội Tham ô tài sản, tổng hợp 19-21 năm tù.
Liên quan vụ án, 17 bị cáo khác bị đề nghị mức án 2-3 năm tù treo đến 15 năm tù cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 8/1.
Trước đó, trong phần tranh luận, theo LS bào chữa, ông Cang không phải là người được giao quản lý tài sản nhà nước - phần vốn góp của Thành ủy tại Sadeco, nên không phải là chủ thể của tội danh bị truy tố. Văn phòng Thành ủy là đơn vị được giao quản lý tài sản của Thành ủy và Chánh Văn phòng là người đứng đầu chịu trách nhiệm. Việc ông Cang bút phê “đồng ý” về chủ trương cho Sadeco phát hành 9 triệu CP không liên quan đến quyết định của Cty này trong việc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần cho đối tác.
LS cho rằng, người đại diện phần vốn góp của Thành ủy tại Sadeco đã không trung thực, có hành vi gian dối khi sử dụng Tờ trình 13 làm căn cứ biểu quyết thông qua việc chuyển nhượng CP của Sadeco. Trong khi, ông Cang không hề biết có tờ trình này. “Việc ông Cang chỉ đồng ý về chủ trương là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình”, LS nêu quan điểm.
LS cũng cho rằng, thân chủ không có quyền tác động đến hoạt động, điều hành của Sadeco. Trước thời điểm tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về chủ trương phát hành vốn (16/5/2017), ông Cang không được biết cũng như tham gia thảo luận bất cứ kế hoạch hoạt động nào của Sadeco.
Văn phòng Thành ủy với tư cách là cổ đông của Sadeco cũng chỉ có quyền biểu quyết về phần vốn góp của mình, không quyết định việc bán CP mà thẩm quyền này thuộc về Hội đồng cổ đông. Những người đại diện vốn của Thành ủy có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc bán đấu giá vốn Nhà nước. Nếu những người này không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải ông Cang.
“VKS luận tội ông Cang phải chỉ đạo bán đấu giá, thẩm định giá theo quy định của pháp luật là không có căn cứ. Bởi văn bản có bút phê của ông Cang không liên quan đến việc giá bán cổ phần. Giá này là do Tề Trí Dũng, Phúc đề xuất Hội đồng cổ đông quyết định”, LS nói.