Năm 2002, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà (Intresco) hơn 735 nghìn mét vuông đất tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng 6B. Công ty Intresco được giao làm chủ đầu tư lô số 4 và lô số 7 khu chức năng 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố.
Thực hiện dự án này, Công ty Intresco đã có hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để cùng thực hiện dự án. Theo hợp đồng này, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai góp 155 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án khu chức năng 6B, đô thị Nam Thành phố. Quyền lợi của bên góp vốn cũng đã được nêu rõ là được nhận một phần đất để tự phát triển dự án và được quyền huy động vốn góp của các tổ chức, cá nhân khác.
Thực hiện hợp đồng này, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã chuyển tiền góp vốn cho Công ty Intresco làm 7 đợt theo thỏa thuận. Để có nguồn vốn thực hiện hợp đồng, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đã huy động vốn của nhiều cá nhân khác nhau theo nguyên tắc, cá cá nhân góp vốn sẽ được hưởng quyền mua đất ở sau khi dự án hoàn thành và được bán sản phẩm thương mại theo quy định của pháp luật. Theo đó, mỗi cá nhân góp vốn sẽ được quyền mua và kinh doanh 1 ô đất phân lô có diện tích trung bình 124m2/ô.
Năm 2008, Ban Quản lý Khu Nam đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với khu chức năng lô 6B thuộc đô thị Nam Thành phố. Năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục có quyết định giao cho Công ty Intresco 33.197m2 đất tại lô số 4, khu 6B để xây dựng dự án khu dân cư.
|
Văn bản mà Công ty QCGL gửi báo chí và cơ quan chức năng nêu rõ bản chất sự việc không giống như suy diễn |
Năm 2014, Công ty Intresco đã thỏa thuận chuyển nhượng dự án khu dân cư lô số 4, khu 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Ngày 25/4/2014, UBND Thành phố đã cho phép hai đơn vị được chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trở thành chủ đầu tư của dự án thành phần này.
Kể từ thời điểm hợp tác đầu tư với Công ty Intresco cho đến khi trở thành chủ đầu tư chính thức của dự án khu dân cư lô số 4, khu chức năng 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vẫn thực hiện đầy đủ hợp đồng với các cá nhân góp vốn từ thời điểm năm 2007 đến năm 2010.
Tuy nhiên, do điều chỉnh cục bộ hệ thống tuyến nước thải do JICA tài trợ trong phạm vi dự án đã dẫn đến việc một số hộ dân ở đây tái lấn chiếm đất đã giải phóng mặt bằng khiến cho việc thực hiện dự án bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách về tiền sử dụng đất đối với dự án cũng đã khiến cho chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án, chuyển một phần dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Do những thay đổi này và tiến độ dự án bị chậm, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thỏa thuận với các cá nhân ký hợp đồng góp vốn trước đây để chấm dứt hợp đồng góp vốn và Công ty bồi thường thỏa đáng cho đối tác ký hợp đồng.
Theo chủ đầu tư dự án này cho biết, đã có 60/70 cá nhân ký hợp đồng góp vốn thực hiện thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền với mức tiền nhận lại gấp 2 lần giá một ô đất liền kề tại thời điểm nhận góp vốn. Đây là mức bồi thường rất cao mà chủ đầu tư phải chấp nhận để đối tác không thiệt thòi. Đơn cử, trường hợp của bà V.A, thực hiện góp vốn 173 triệu đồng nhưng đã nhận được hơn 1,4 tỷ đồng. “Chỉ còn một số ít người góp vốn chưa thỏa thuận xong do yêu cầu bồi thường hợp đồng không hợp lý và Công ty đang tiếp tục thỏa thuận để giải quyết theo hướng có lợi cho đối tác nhưng không thiệt hại cho Công ty”, ông Nguyễn Văn Trường, PGĐ Công ty cho biết.
Sự việc chỉ dừng lại như vậy và những cá nhân không chấp nhận mức bồi thường mà Công ty đưa ra hoàn toàn có thể khởi kiện để đề nghị Tòa án giải quyết. Nhưng gần đây lại có ý kiến cho rằng, việc Công ty ký hợp đồng góp vốn với các đối tác cá nhân như trên là “bán đất nền” của dự án. Thậm chí, những ý kiến này còn đi xa hơn khi cáo buộc Công ty “lừa dối khách hàng”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước sự quy chụp này, trong văn bản gửi báo chí và cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai khẳng định: Công ty không bán đất nền hay bán tài sản hình thành trong tương lai. Các hợp đồng ký kết đều là hợp đồng góp vốn, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết. Việc quy kết Công ty bán đất nền là hoàn toàn sai sự thật và không có căn cứ.
Nói về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, việc một doanh nghiệp huy động vốn của các cá nhân để góp vốn đầu tư, phát triển một dự án bất động sản, đảm bảo quyền lợi bằng quyền được mua một sản phẩm thương mại trong dự án là một quan hệ pháp luật dân sự được pháp luật công nhận. Không thể suy diễn việc ký hợp đồng góp vốn để được mua một sản phẩm thương mại sau khi dự án được phép bán sản phẩm là “bán đất nền” vì sự quy kết này hoàn toàn mang tính suy diễn chủ quan, không đúng bản chất pháp lý của giao dịch mà các bên ký kết.
Một vấn đề khác cũng được các luật sư đề cập, đó là những ý kiến có tính quy chụp doanh nghiệp là lừa dối khách hàng hay lừa đảo cũng phải hết thức thận trọng, bởi những ý kiến này có tác động tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp. “Nếu không có bằng chứng chắc chắn, những ý kiến gây tổn hại cho uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân thì ý kiến vô căn cứ có thể trở thành một hành vi vu khống”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.