Sau khi xem clip bác sĩ phản kháng khi bị người nhà hành hung, TS. Võ Xuân Sơn nguyên bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với giới truyền thông rằng, bản thân ông thấy mừng nhân viên y tế đã biết phản kháng, đã biết tự bảo vệ mình.
Người bác sĩ đang đứng ở một vị trí cùng đường, không có đường để tháo chạy (đứng phía bên trong). Như vậy, nếu không phản kháng, anh có thể sẽ mất mạng. Phần nữa, từ trước đến nay, người nhà bệnh nhân cho rằng việc hành hung bác sĩ và nhân viên y tế mà không có phản kháng nào là đương nhiên, điều này càng gây ra tiền lệ nạn bạo hành y tế.
Không ít ý kiến từ giới luật sư cho rằng, trong tình huống bị tấn công, y bác sĩ cũng như một người bình thường có quyền phòng vệ chính đáng; hay nói cách khác là được phép chống trả một cách cần thiết nhằm bảo vệ mình và đồng nghiệp.
Song theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, khi xảy ra va chạm, cách ứng xử phù hợp nhất lúc đó không phải đôi co hoặc có những hành vi phản ứng lại mà cần tìm cách thoát khỏi tình huống đó.
Trả lời báo chí, Luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật số 1- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi hành hung, gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội mức phạt đối với hành vi xâm hại, hoặc thuê người xâm hại đến sức khỏe của người khác thì mức phạt từ 2-3 triệu đồng.
Cũng theo quy định của pháp luật hình sự trong trường hợp hành vi hành hung các y bác sỹ gây thương tích với tỷ lệ từ 11% trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong trường hợp thương tích dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc các thủ đoạn khác cũng có thể bị xem xét với điều khoản này. Trong những trường hợp khác, nếu hành vi hành hung chưa gây thương tích hoặc gây thương tích không đạt tỷ lệ 11% cũng có thể xem xét hoặc xử lý ở tội Gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.