Bị đơn không còn tài sản thi hành án, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có vô can?

(PLO) - Dù Tòa cấp sơ thẩm quyết định hủy thay đổi tên trong Sổ đỏ từ bà Mầu sang bà Hồng nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Bảo Lộc (Đà Lạt) vẫn chấp thuận để bà Hồng sang nhượng cho người khác. Việc làm  trong thời điểm “nhạy cảm” (vụ án đang chuẩn bị xử phúc thẩm) của Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Bảo Lộc liệu có đúng luật?
Căn nhà số 87 đường Phan Bội Châu đã được bà Nguyễn Thị Thanh Hồng sang nhượng cho bà Lý Thị Kim Anh.
Căn nhà số 87 đường Phan Bội Châu đã được bà Nguyễn Thị Thanh Hồng sang nhượng cho bà Lý Thị Kim Anh.

8 bản án xử vụ chú đòi nhà đã nhờ cháu đứng tên

Như Báo PLVN đã phản ánh trong bài “Doanh nhân Việt kiều 72 tuổi vẫn gây dựng giấc mơ hồi hương lập nghiệp” về ông Nguyễn Văn Đức (SN 1947, ngụ thôn 4, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bị đứa cháu ruột là Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1969) đứng tên giúp 3 căn nhà rồi không chịu trả. Ba căn nhà được cho là bà Thảo chỉ đứng tên giúp chú là nhà số 11, số 28 đường Lê Thị Pha và số 87 đường Phan Bội Châu (cùng ở phường 1, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Theo lời khai của ông Đức, căn nhà số 87 đường Phan Bội Châu trước đây là của ông Nguyễn Văn Thuận (anh ruột ông Đức) và bà Đỗ Thị Mầu. Do khó khăn, năm 1994, ông Thuận, bà Mầu bán lại cho ông Đức với giá 22 cây vàng. Vì là Việt kiều, không được sở hữu nhà đất ở Việt Nam, ông Đức nhờ Thảo đứng tên giúp.

Do đó, ngày 07/08/1994, Thảo ký giấy xác nhận quyền sở hữu nhà đất số 87 đường Phan Bội Châu với nội dung “bà Thảo đứng tên giấy tờ căn nhà thay cho ông Đức và sẽ trả lại khi ông Đức có yêu cầu. Giấy xác nhận do ông Thuận viết có ông Nguyễn Văn Bá (anh ruột ông Đức và ông Thuận) chứng kiến và luật sư Nguyễn Ngọc Sang.

Hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 87 Phan Bội Châu giữa bà Hồng và bà Kim Anh
Hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 87 Phan Bội Châu giữa bà Hồng và bà Kim Anh

Theo ông Đức, tại căn nhà số 11, 28 đường Lê Thị Pha là do vào tháng 12/1994, ông Đức gửi tiền từ Pháp về nhờ ông Nguyễn Văn Bá mua lại của bà Nguyễn Thị Dung với giá 320 triệu đồng. Việc mua bán kết thúc vào năm 1995, đến năm 1997, ông Đức cũng nhờ Thảo đứng tên giúp.

Dù bà Thảo đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng giấy này do ông Đức giữ. Năm 2004, ông Đức yêu cầu bà Thảo viết giấy trả lại 3 căn nhà nêu trên nhưng bà Thảo không trả, ông Đức khởi kiện ra tòa.

Năm 2005, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên xét xử sơ thẩm lần 1 vụ “kiện đòi tài sản”. Tại tòa, ông Thuận cho rằng nhà số 87 đường Phan Bội Châu là của cha mẹ vợ cho vợ chồng ông. Vợ chồng ông Thuận không bán cho ông Đức. Giấy xác nhận ngày 07/08/1994 là giả mạo.

Mặc dù ông Thuận, bà Thảo không thừa nhận chữ ký, chữ viết ở giấy xác nhận ngày 07/08/1994 nhưng kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lâm Đồng kết luận chữ ký, chữ viết ở giấy xác nhận là của ông Thuận, bà Thảo. Ông Bá cũng xác nhận có chứng kiến ông Thuận, bà Thảo viết giấy xác nhận nói trên.

Đối với hai căn nhà 11, 28 đường Lê Thị Pha, bà Thảo cho rằng do tiền của mình bỏ ra mua chứ không phải tiền của ông Đức gửi về. Tại tòa, các nhân chứng như bà Nguyễn Thị Dung (chủ nhà), người môi giới, ông Nguyễn Văn Bá, đều xác nhận tiền mua nhà là tiền của ông Đức gửi từ Pháp về.

Tòa sơ thẩm (lần 1) xác định nhà 87 Phan Bội Châu là của vợ chồng ông Thuận. Việc ông Thuận một mình bán cho ông Đức là trái quy định pháp luật. Ông Đức chỉ chứng minh được tiền mua căn nhà là 4 lượng vàng (loại 24k) nên Tòa tuyên ông Thuận được nhận nhà nhưng phải trả lại 4 lượng vàng cho ông Đức. Ông Đức được hưởng 1/2 giá trị chênh lệch căn nhà số 87 Phan Bội Châu.

Đối với hai căn nhà số 11, 28 Lê Thị Pha, tiền mua nhà là của ông Đức. Tòa cho rằng bà Thảo có công đứng tên giúp thì ông Đức mới có tài sản. Vì thế phải trả lại tiền mua nhà cho ông Đức, giá trị chênh lệch chia đôi.

Không đồng ý bản án, hai bên kháng cáo. Tháng 10/2005, xử phúc thẩm (lần 1), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã đình chỉ vụ án, công nhận bản án sơ thẩm vì ông Đức rút đơn. Bà Thảo và ông Thuận không đến Tòa.

Cập nhập của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc chỉ có chữ ký, không có họ tên, con dấu.
Cập nhập của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc chỉ có chữ ký, không có họ tên, con dấu.

Sau đó, ông Thuận, bà Thảo làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tháng 3/2007, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng, trả hồ sơ xét xử lại.

Tháng 3/2009, TAND tỉnh Lâm Đồng xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên bác yêu cầu của ông Đức về việc đòi nhà 87 Phan Bội Châu, chỉ được sở hữu 2 căn nhà số 11, 28 Lê Thị Pha. Ông Thuận, bà Thảo kháng cáo. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu của ông Đức về việc đòi căn nhà số 87 Phan Bội Châu và cả hai căn nhà số 11, 28 Lê Thị Pha.

Ông Đức có đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án và được chấp nhận. Tháng 3/2013, TAND Tối cao tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ về xét xử từ đầu.

Tháng 5/2015, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên xét xử sơ thẩm (lần 3), tuyên bà Mầu và các đồng thừa kế của ông Thuận (do ông Thuận đã chết) được hưởng căn nhà số 87 Phan Bội Châu. Ông Đức được hưởng hai căn nhà số 11, 28 đường Lê Thị Pha nhưng phải thanh toán 1/2 giá trị chênh lệch cho bà Thảo.

Ông Đức kháng cáo. Đến ngày 20/12/2017, HĐXX phúc thẩm (lần 3) tuyên ông Đức không được hưởng bất cứ căn nhà nào, chỉ được hưởng 1/2 giá trị chênh lệch 3 căn nhà theo định giá: Căn nhà số 87 Phan Bội Châu, bà Mầu và các đồng thừa kế của ông Thuận được sở hữu nhà nhưng phải trả cho ông Đức gần 4 tỷ đồng. Hai căn nhà số 11, 28, bà Thảo được sở hữu nhà nhưng phải trả cho ông Đức hơn 1,5 tỷ đồng.

Không có tài sản thi hành án vì đã sang nhượng nhà

Đáng nói, trong quá trình giải quyết vụ kiện, vào ngày 14/11/2011, bà Mầu đã tiến hành lập giấy cho tặng bà Nguyễn Thị Thanh Hồng căn nhà số 87 Phan Bội Châu. Bà Thảo sang nhượng cho 2 người khác 2 căn nhà số 11, 28.

Đến khi bản án phúc thẩm ngày 20/12/2017 có hiệu lực, ông Đức có  yêu cầu thi hành bản án thì mới phát hiện được việc, vào ngày 12/4/2017, bà Hồng đã sang nhượng nhà 87 Phan Bội Châu cho bà Lý Thị Kim Anh, do Văn phòng Công chứng Phan Văn Minh Hoàng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) công chứng. 

Trong bản cập nhật tên chủ đất từ bà Hồng sang bà Kim Anh (bản photo)  vào ngày 17/4/2017 mà PV thu thập được thì mục cập nhật biến động chỉ có chữ ký (không rõ họ, tên cán bộ) và không có đóng dấu của Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Bảo Lộc.

Tòa sơ thẩm tỉnh Lâm Đồng ngày 15/05/2015 tuyên hủy phần cập nhật của bà Hồng vào sổ đỏ (nghĩa là nhà số 87 Phan Bội Châu trở lại thuộc của bà Mầu và đồng thừa kế của ông Thuận)
Tòa sơ thẩm tỉnh Lâm Đồng ngày 15/05/2015 tuyên hủy phần cập nhật của bà Hồng vào sổ đỏ (nghĩa là nhà số 87 Phan Bội Châu trở lại thuộc của bà Mầu và đồng thừa kế của ông Thuận)

Hình thức cập nhật biến động trên đây là không rõ ràng. Ngoài ra, nội dung cập nhật của Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Bảo Lộc cũng đang bị ông Đức đặt nhiều nghi vấn:

Ngày 15/5/2015, bản án sơ thẩm (lần 3) của TAND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, đối với căn nhà số 87 Phan Bội Châu, hủy phần tại mục III thay đổi về chủ ngày 14/10/2011 UBND TP Bảo Lộc xác nhận nội dung thay đổi và tên chủ mới là bà Nguyễn Thị Thanh Hồng. Nghĩa là, nhà số 87 Phan Bội Châu trở lại tên chủ cũ là bà Mầu và đồng thừa kế của ông Thuận.

Nhưng không hiểu sao, đến ngày 12/4/2017, Chi nhánh VPĐKĐĐ  TP Bảo Lộc lại cập nhật biến động từ tên bà Hồng sang cho bà Kim Anh. Việc cập nhật này khiến đến nay cơ quan thi hành án “bó tay” vì căn nhà số 87 Phan Bội Châu là tài sản duy nhất của bà Mầu và các đồng thừa kế của ông Thuận có để thi hành bản án, trả tiền cho ông Đức.

Hiện nay, ông Đức đã có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Lâm Đồng “Yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng vô hiệu” đối với hợp đồng mua bán giữa bà Hồng và bà Kim Anh, được Văn phòng công chứng Phan Văn Minh Hoàng ký xác nhận.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Đọc thêm