Dự hội thảo có bà Jehanne Roccas - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo dự án RARL; ông Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp…
Hội thảo được tổ chức với mục đích nhằm đánh giá thực trạng, chỉ ra các hạn chế của quản trị, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công, đặc biệt là trong lĩnh đầu tư và kinh doanh ở Nghệ An, từ đó đưa ra các khuyến nghị cải cách dịch vụ hành chính công để thu hút hơn nữa đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cho rằng, Nghệ An có nguồn tài nguyên đa dạng; nguồn lực lao động lớn; chất lượng giáo dục được đánh giá cao nhưng vẫn có vị thế kinh tế chưa tương xứng với những tiềm năng này, hoạt động đầu tư kinh doanh ở Nghệ An vẫn chưa có sự đột phá mạnh mẽ để khai thác hết tiềm năng tỉnh nhà.
Toàn cảnh hội thảo Cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh |
Lãnh đạo tỉnh khẳng định quyết tâm kiến tạo một môi trường kinh doanh và đầu tư minh bạch, thông thoáng thông qua cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp – không chỉ doanh nghiệp trong tỉnh mà với tất cả mọi doanh nghiệp các tỉnh khác, doanh nghiệp quốc tế đến làm ăn kinh doanh tại Nghệ An.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ năm 2010 tỉnh Nghệ An đã thể hiện từ những bước tiến vững chắc trong việc tăng trưởng xếp hạng và đến năm 2017 đạt thứ hạng 21. Đứng đầu năm 2017 về chỉ số PCI là tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh là các tỉnh trong cùng khu vực đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện vị trí xếp hạng, nhưng vẫn đứng sau Nghệ An vào năm 2017.
Chỉ số Quản trị và dịch vụ hành chính công cấp tỉnh (PAPI), các chỉ số về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và tham nhũng của tỉnh Nghệ An đều không cao so với các tỉnh khác nên gây khó khăn cho khả năng kinh doanh và đầu tư của tỉnh. Ngược lại, chỉ số về tính minh bạch của chính quyền được cải thiện và nhận đánh giá cao từ doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại tại Hội thảo |
Các chuyên gia xác định 2 nhóm vấn đề hạn chế lớn của Nghệ An thứ nhất, Nghệ An chưa có môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. Mức độ nhũng nhiễu doanh nghiệp của cán bộ nhà nước là đáng lo ngại thể hiện qua việc doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức cao. Về khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, Nghệ An được đánh giá thuộc nhóm yếu nhất cả nước trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra trong hội thảo như: thúc đẩy dịch vụ công điện tử, từ đó giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường cung cấp thông tin, minh bạch hoá quy hoạch đất đai và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp về các vấn đề đất đai. Các chuyên gia khuyến nghị cần tổ chức các trung tâm dịch vụ hành chính công theo vùng, theo cụm để cung cấp dịch vụ hành chính tốt hơn.
Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam bà Jehanne Roccas |
Được biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm Hợp tác Phát triển Bỉ tại Việt Nam (1977-2017) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Bỉ và Việt Nam (1973-2018). Bỉ là một trong những nước phương tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Bằng nguồn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) Bỉ đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều các lĩnh vực khác nhau: từ các dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng sang chương trình phát triển xã hội và giảm nghèo vào những năm 90.
Từ năm 2002 Nghệ An là một trong số các địa phương của Việt Nam được quỹ Hợp tác Phát triển Bỉ hỗ trợ các dự án như: “Phát triển nông thôn đa lĩnh vực tại huyện Quỳ Châu” (2002-2007) đã góp phần giảm đói nghèo, cải thiện điều kiện hạ tầng và chất lượng cuộc sống tại các làng xã của huyện Quỳ Châu. Bỉ đã hỗ trợ từ nguồn ODA viện trợ cho nhiều dự án trên địa bàn.