Bị dùng nhục hình ép cung, người vô tội vướng oan án giết người?

(PLO) - Ngay từ ngày đầu tiên bị bắt, Trường đã một mực kêu oan nhưng không đến được cơ quan chức năng. Phiên tòa được đưa ra xét xử 2 lần đều không có nhân chứng, không đại diện bị hại, nhưng vẫn tuyên án.
Hiện trường nơi nạn nhân bị ngã xe
Hiện trường nơi nạn nhân bị ngã xe
Ẩu đả vì “quái xế” nẹt pô xe
Gửi đơn tới báo XLPL, mẹ của Lê Xuân Trường (SN 1992, ngụ ấp 1, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, Bình Dương) kêu oan đối với bản án của con mình. Trước đó, theo cáo buộc, đêm ngày 14/5/2011, Trường cùng nhóm bạn 5 người khác đi nhậu tại quán cháo vịt tại ấp 1, xã Hội Nghĩa, đã xảy ra mâu thuẫn với nhóm của Đặng Minh Tâm (SN 1986, ngụ ấp 5), Nguyễn Dương Quý Sơn (SN 1994, ngụ Đồng Nai). 
Sau khi xảy ra xô xát, anh Tâm tử vong do bị chấn thương sọ não và Sơn bị thương nặng. Tòa án tỉnh Bình Dương và Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt bị cáo Trường 18 năm tù giam, các bị cáo còn lại từ 8 đến 14 năm tù giam về tội “giết người”.
Theo cáo trạng, đêm đó Trường và đồng bọn đang ngồi nhậu tại ấp 1, xã Hội Nghĩa thì hai nạn nhân và một người bạn khác chạy xe ngang qua, Tâm dừng xe và nẹt bô xịt khói vào bàn nhậu. Bị lớn tiếng mắng mỏ nhưng Tâm vẫn không ngừng nẹt bô và bốc đầu như thách thức. 
Sau đó, nhóm “quái xế” tiếp tục chạy đến quán cafe cách đó khoảng 50m, vẫn nẹt bô ầm ĩ. Trường chạy ra ngoài xem sao, thấy nhóm Tâm dừng lại nên rủ cả nhóm lấy xe đuổi đánh.
Cáo trạng cho rằng nhóm Trường có dùng một cục gạch và một đoạn cây dài 70cm cầm theo. Nhóm quái xế  bỏ chạy được 100m thì bị đuổi kịp. Trường đã dùng cục gạch ném về phía xe của “quái xế” nhưng không trúng. 
Hai xe chạy song song, Trường dùng cây đánh vào lưng của Sơn và đạp vào xe nhưng không ngã. Do không làm chủ được tốc độ, Tâm đã tông vào lề đường ngã xuống. Thấy Tâm nằm im bất động, Trường dùng cây đánh một nhát lên đầu.
Bà Vân cho rằng con mình bị oan
 Bà Vân cho rằng con mình bị oan
Gây án xong, cả nhóm bỏ mặc nạn nhân, tiếp tục trở lại quán cũ để nhậu, sau đó về nhà. Tâm và Sơn sau đó được người dân đưa đến bệnh viện tại địa phương để cấp cứu. Vết thương quá nặng Tâm được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy nhưng sau đó đã tử vong do bị chấn thương sọ não.
Biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy, Tâm bị trầy xước ở thái dương, đỉnh đầu. Tụ máu toàn bộ dưới da và trong cơ vòm sọ, nứt xương sọ… gây tử vong. Việc khám nghiệm hiện trường gặp nhiều khó khăn do thời điểm xảy ra vụ việc đã khuya. 
Lực lượng chức năng không có mặt kịp thời. Cơ quan điều tra cũng không thu giữ được viên gạch và đoạn cây dài 70cm như cáo trạng nêu Trường dùng để đánh nạn nhân.
Điều tra viên dùng vũ lực ép cung?
Ngày 17/5/2011, công an huyện triệu tập Trường và đồng phạm đến công  an xã Hội Nghĩa để điều tra. Mẹ Trường tố cáo: “Tôi ngồi ở trước sân, thấy điều tra viên đánh Trường rất nhiều. Tôi phản ánh với anh trưởng công an xã “sao đánh người trước mặt dân như vậy. Chúng tôi ngồi đây mà con bị đánh như vậy thì ở trong trại bị đánh thế nào nữa”. 
Trưởng công an xã khi ấy mới chạy vào khều điều tra viên và sau đó họ đưa con tôi vào trong phòng kín. Tối hôm đó, bị đánh đau quá, hai đứa bạn đã “khai bậy” con tôi dùng cây đánh chết người. Đến sáng hôm sau thì bị đưa lên công an tỉnh để tạm giam”.
Người mẹ khẳng định cảnh sát không hề đưa giấy triệu tập, lệnh tạm giam mà chỉ nói miệng.
“Ngày dựng hiện trường, Trường được đưa đến nhưng không tham gia giả định. Người thay thế Trường là Sơn, một trong hai… bị hại. Tại đây, 5 bị cáo cho rằng Trường không đánh Tâm nhưng cán bộ điều tra cho rằng bị hại đã khai như thế, cứ thực hiện xong rồi về trại tính tiếp”, người mẹ kể. 
Sau đó, cơ quan chức năng đã hoàn tất hồ sơ truy tố 6 bị cáo về tội giết người, trong đó Trường là đối tượng trực tiếp đánh chết người.
Ngày 5/9/2012, tòa mở phiên sơ thẩm, cả 6 bị cáo đều phản cung cho rằng Trường không hề đánh người mà bị các điều tra viên đánh đập, ép cung. “Các bị cáo đều khai sau khi tông phải lề đường té xuống, Tâm nằm bất động. Thấy Sơn vẫn còn bỏ chạy nên cả nhóm đuổi theo, sau đó ra về chứ Trường không đánh người. Cái chết của Tâm là do bị ngã xe chứ không phải bị đánh”, người mẹ nói. 
Phần xét hỏi, người giám hộ của một bị cáo vị thành niên đều khẳng định trong quá trình điều tra đều không hề có mặt. Sau khi kết thúc điều tra, công an mới mời cả hai lên ký vào các biên bản, lời khai. 
Một người cho rằng điều tra viên đã đưa một tờ giấy trắng, yêu cầu ông ký tên vào. Khi ông phản ứng thì điều tra viên trấn an “không sao đâu. Vì ghi chép không kịp nên ông cứ ký vào để chúng tôi ghi lời khai sau”. Ông này cho rằng nhiều chữ ký của mình là giả. Người giám hộ kia cũng cho rằng chỉ ký 4 tờ khai nhưng sau đó lại có tới 10 tờ có chữ ký của bà.
Nhận thấy hồ sơ có nhiều sai sót, HĐXX đã cho hoãn phiên tòa, trả hồ sơ về điều tra bổ sung. Đến 29/11/2012, phiên tòa được xét xử lại. Mặc dù hồ sơ không hề có sự thay đổi và HĐXX cũng là những người ở phiên tòa trước đó. 
Tuy nhiên, lần này HĐXX không chấp nhận lời khai của bị cáo và gia đình vì “một phía, phiến diện, không khách quan”. HĐXX chấp nhận những truy tố của viện kiểm sát, buộc các bị cáo vào tội “giết người”. Tổng án tù 6 bị cáo phải nhận là 75 năm tù, trong đó, bị cáo Trường chịu án cao nhất: 18 năm tù giam. Các bị cáo phải bồi thường cho bị hại 192 triệu đồng.
Bị hại kháng án, tòa phúc thẩm tuyên y án. Trong hai phiên tòa, nhân chứng duy nhất là Sơn đã không có mặt vì đã bị bắt trong một vụ án khác tại tỉnh Đồng Nai, nhưng việc xét xử vẫn tiến hành. 
Người mẹ nói vẻ khẩn thiết: “Từ khi bị bắt đến nay, con tôi vẫn một mực kêu oan, không đánh chết Tâm. Tôi cũng đã có đơn đến nhiều cơ quan chức năng, xin được giải oan cho con nhưng không được chấp nhận. 
Lần gần đây nhất, tôi xin vào thăm bị hại Sơn để tìm hiểu về lời khai tại cơ quan điều tra. Sơn thừa nhận đã khai oan cho con tôi. Giờ Sơn muốn khai lại từ đầu nhưng không được. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm chấp nhận đơn nhằm minh oan cho con tôi”./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm