Bi hài đòi bồi thường vụ tai nạn xe bê tông “hôn” đuôi “xế hộp”

(PLO) - Sau một năm vất vả kiện tụng với hai phiên sơ thẩm, phúc thẩm, tốn thêm công sức và “một đống” chi phí đi lại, mời luật sư, đóng án phí..., người có xe gặp nạn lại phải ngậm ngùi nhận mức bồi thường hơn 80 triệu đồng, hụt mất 50 triệu so với đề nghị ban đầu của phía gây tai nạn.
Bị cáo Phạm Tân Quang bị phạt 9 tháng tù treo vì chạy xe “hôn” đuôi xe người khác
Bị cáo Phạm Tân Quang bị phạt 9 tháng tù treo vì chạy xe “hôn” đuôi xe người khác
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 7h30 ngày 25/8/2014, anh Lê Hải Anh (SN 1985, ngụ phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) điều khiển xe ô tô bốn chỗ hiệu Honda Civic đi trên đại lộ Nguyễn Tất Thành theo hướng Nha Trang – Cam Lâm. 
Đến Km18+44 đại lộ Nguyễn Tất Thành (thuộc thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm). Nghe tiếng máy xe trục trặc, anh dừng xe kiểm tra, đỗ sát mép lề đường bên phải (theo hướng lưu thông), bẻ các nhánh cây để sau xe khoảng 15m làm tín hiệu báo hiệu, sau đó đón xe về Nha Trang gọi thợ vào sửa.
Khoảng 30 phút sau, Phạm Tân Quang (SN 1983, ngụ thôn Tiên Du, xã Ninh Phú, TX.Ninh Hòa) là lái xe của Công ty TNHH Tân Thịnh Phát (trụ sở tại Nha Trang) điều khiển xe bơm bê tông lưu thông cùng hướng với xe trên. Khi đến địa điểm xe con đang dừng, do không chú ý quan sát nên Quang đã lái xe va chạm vào đuôi xe con đang dừng. Xe con bị “hôn” đuôi, hư hỏng toàn bộ phía sau, gãy bánh phía trước. 
Phía gây tai nạn đề nghị bồi thường cho xe con hơn 130 triệu nhưng anh này không đồng ý, buộc cơ quan chức năng khởi tố vụ án vụ án, khởi tố bị can, cho trưng cầu giám định thiệt hại. Theo định giá, tổng giá trị thiệt hại của xe bị đâm là hơn 73 triệu.
Cuối tháng 5/2015, TAND huyện Cam Lâm đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, bị cáo Quang khai nhận hành vi như nội dung cáo trạng và hồ sơ vụ án. Theo HĐXX, bị cáo điều khiển xe ô tô lưu hành trên đường nhưng cẩu thả, không chú ý quan sát tình trạng mặt đường nên đã gây tai nạn. 
Xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo và phạm tội lần đầu, có thiện chí tự nguyện trích từ lương của mình hơn 26 triệu đồng chủ động cùng với Cty Tân Thịnh Phát gặp gỡ, thương lượng cách thức bồi thường với người bị hại; nên tòa tuyên phạt Quang chín tháng tù, cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS. 
Về phần bồi thường, xác định sau tai nạn, bị cáo và Cty Tân Thịnh Phát đã đề nghị bồi thường 122 triệu, sau đó tự nguyện hỗ trợ thêm 10 triệu đồng thuê xe đi lại sửa chữa cho chủ xe bị nạn. Nhưng anh này không đồng ý, yêu cầu phía gây tai nạn phải sử dụng chiếc xe hư hỏng và đưa lại 450 triệu. Hai bên không đạt được thỏa thuận. 
Tại tòa, người bị hại tiếp tục yêu cầu bị cáo và Cty Tân Thịnh Phát bồi thường các khoản sửa chữa, đi lại, xe mất giá, tổng cộng 325 triệu. HĐXX sơ thẩm xét thấy các khoản yêu cầu trên chỉ là suy diễn cá nhân, không có căn cứ thực tế và pháp luật nên chỉ chấp nhận mức bồi thường theo kết luận của Hội đồng định giá là hơn 73 triệu, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của Cty Tân Thịnh Phát hỗ trợ thêm 10 triệu tiền thuê xe đi lại cho bị hại, tổng cộng hai khoản là hơn 83 triệu.  
Đối với thiệt hại của xe do bị cáo điều khiển, do Cty Tân Thịnh Phát không yêu cầu nên HĐXX không xem xét.
Ông Hải Anh kháng cáo, thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngày 4/9/2015 vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Lần này, ông Hải Anh tăng mức đòi bồi thường lên hơn 370 triệu. 
Luật sư ông này cho rằng, theo các quy định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm hại bao gồm: Tài sản bị mất; Tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Người yêu cầu bồi thường phải nêu rõ từng khoản thiệt hại, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ cho các khoản... 
Nhưng tại tòa sơ thẩm, khi hai bên không thỏa thuận được, tòa lại căn cứ vào định giá của cơ quan tố tụng để xác định thiệt hại là không đúng. Cũng theo luật sư, thực tế số tiền mà người bị hại phải bỏ ra để sửa chữa xe còn nhiều hơn số tiền yêu cầu bồi thường, tất cả đều hóa đơn, chứng từ. Nhưng bị hại chỉ yêu cầu tổng cộng hơn 370 triệu đồng như trên. 
Đại diện VKS tại phiên tòa đã không đồng ý với lập luận này, đề nghị tòa căn cứ vào kết quả định giá, không phải cảm nhận cá nhân và bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi nghị án, tòa cũng đồng tình với quan điểm của VKS, tuyên bác kháng cáo của bị hại và giữ nguyên án sơ thẩm. 
Như vậy, sau một năm vất vả kiện tụng với hai phiên sơ thẩm, phúc thẩm, tốn thêm công sức và nhiều khoản đi lại, mời luật sư, đóng án phí..., người có xe gặp nạn lại chỉ được bồi thường hơn 80 triệu đồng, hụt mất 50 triệu so với đề nghị ban đầu của phía gây tai nạn./.

Đọc thêm