Các dự án theo loại hình đầu tư này liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tác động không hề nhỏ tới kinh tế - xã hội. Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm đã và đang tập trung, đẩy mạnh việc kiểm toán các dự án BT, đặc biệt là các dự án thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Điều gì đã xảy ra? Dẫu là kết quả ban đầu nhưng cho thấy: việc thực hiện các dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ và minh bạch; cơ chế, chính sách chưa thật sự rõ ràng nên dễ tạo lỗ hổng thất thoát ngân sách và tài sản công. Mới kiểm toán 35 dự án đã phải “xử lý” hơn 7.400 tỷ đồng (dẫu còn là “móng tay” đối với tổng dự toán được duyệt).
Hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; giao cho nhà đầu tư lập, phê duyệt dự án và hồ sơ thiết kế, dự toán; có dự án việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng cùng lúc với quyết định chấp thuận thông qua đề xuất dự án, tạo ra “lổ hổng” đẩy giá trị công trình lên cao.
Nhiều dự án thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất giá quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến thất thoát NSNN; chấp thuận tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất cao hơn so với báo cáo nghiên cứu khả thi, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư; hồ sơ hợp đồng BT không thỏa thuận các nội dung liên quan đến xác định chi phí lãi vay; tính lãi vay trên cả phần vốn không phải đi vay,... để đưa vào quyết toán không đúng quy định;...
Ngoài ra, việc giao cho nhà đầu tư toàn quyền thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án…
Tóm lại, “được” công trình nhưng thất thoát không hề nhỏ. Nhà đầu tư “lãi kép” khi giá công trình được đẩy lên và đất được “thanh toán” lại giá… bèo. Xin thưa, đất dùng để thanh toán cho “nhà đầu tư” chưa “kim cương”, chưa “vàng” thì cũng là “bạc” cả đấy.
Rất dễ xuất hiện “nhóm lợi ích” trong việc thực hiện BT nếu đủ năng lực đi đến “tận cùng” sự thật. Có 3 nguyên nhân dẫn đến tiêu cực “tạm thời” được nhắc đến: 1. Chính sách mới còn bất cập, sơ hở; 2. Có hiện tượng “lách” luật để thu lợi bất chính; 3. Quản lý, kiểm tra, giám sát hơi bị kém.
Ngày 04/5/2018, Chính phủ đã ra Nghị định mới, số 63/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hy vọng sẽ hạn chế được “bi kịch”.