Bi kịch của lòng tốt đặt nhầm chỗ

(PLVN) - Câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở Long An, khi anh Lê Hoài B (28 tuổi) đang dắt con đi chơi công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An) thì bị một nhóm người đánh hội đồng dẫn tới tử vong, bởi nhầm là đối tượng bắt cóc trẻ em.
Công viên thị trấn Hậu Nghĩa, nơi người cha xấu số đã không thể “về nhà”…
Công viên thị trấn Hậu Nghĩa, nơi người cha xấu số đã không thể “về nhà”…

Án mạng tức tưởi

Chiều 21/2, anh B đưa con trai 3 tuổi đến công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa chơi. Vì công viên khá rộng nên hai cha con vui đùa, chạy vòng quanh rồi đến ghế đá ngồi nghỉ cho đỡ mệt trước khi ra về. Tuy nhiên, sau đó anh B. đưa con trai lên xe máy nhưng đứa bé không chịu về mà đòi ở lại chơi tiếp.

Anh B. nói với con trai “về thôi con chứ mẹ la đó” nhưng cháu bé không chịu về nên người cha có kéo tay con. Cụ bà bán vé số (86 tuổi) đang ngồi trong công viên thấy cảnh trên nói lớn tiếng “làm gì vậy, thả con người ta ra”, nhân chứng kể lại.

Thời điểm này, Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang cùng vợ đứng giao hàng cho khách tại công viên nên tiến đến hỏi: “Bắt cóc con người ta à?”.

Chưa kịp cho anh B. thanh minh, Điền liền xông vào đánh anh B. tới tấp. Sau đó, một nhóm bạn xăm trổ của Điền cũng ở gần đó lao vào đánh người cha mặc cho nạn nhân thanh minh không có bắt cóc. Trong lúc chịu những cú đánh như búa bổ, người cha vẫn cố gắng nói rõ bé trai chính là con của mình. Thậm chí, người cháu của bà cụ bán vé số đang mang thai chạy vào để che cho anh B cũng bị xô ra ngoài.

Do bị đánh hội đồng nên khi Điền chạy lại xe máy lấy con dao, anh B. đã gục ngã. Mặc dù vậy, Điền vẫn nhẫn tâm dùng dao đâm anh B. Do nhóm bạn của Điền rất hung dữ nên không ai dám vào can ngăn.

Có thể thấy sự việc trên xảy ra bởi 3 nguyên nhân: Một bà cụ bán vé số lãng tai nên kết luận vội vàng và tri hô bắt cóc trẻ con. Một nhóm người “ngứa ngáy chân tay”, thấy một người đàn ông nhỏ bé, thế là nhảy xổ vào đánh và nghĩ mình là anh hùng.

Kể cả khi người dân hô đấy là con trai của người ta, không phải bắt cóc trẻ em, họ cũng không thể dừng tay lại. Và do cả bởi sự xuất hiện quá chậm của đơn vị chức năng... Hậu quả là một gia đình mất chồng, mất cha.

Làm người tốt không dễ?

Trước câu chuyện này, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: “Không đau lòng sao được khi mà hành động ngỡ tưởng tốt đẹp: Nghe thấy tri hô bắt cóc là kịp thời can thiệp thay vì vô cảm bỏ đi vì không phải việc của mình. Điều xấu xí ở đây chính là việc đâm chết người vì sẵn hơi men. Chúng ta đều thấy rằng đó là một vụ giết người không đáng để xảy ra.

Trách ai đây? Giá như Điền đừng phải là một gã say rượu không cần nói lý lẽ đã rút dao ra. Giá bà cụ bán vé số đừng vội tri hô “bắt cóc trẻ em” khi chưa rõ sự tình... thì hẳn sẽ không có một đứa trẻ mồ côi cha, một người bố tử nạn, một người “ra tay nghĩa hiệp” đối mặt lao lý và nhiều day dứt cho những người ở lại.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra câu chuyện tri hô bắt cóc trẻ em gây nên hậu quả nghiêm trọng. Và phản ứng của những người như Điền không phải hiếm.

Đơn cử trên mạng xã hội, khi bất cứ một câu chuyện nào đưa ra, chưa cần biết đúng sai, những comment đòi đánh, đòi giết, đòi tố, đòi tung, lăng mạ đã ầm ĩ bên dưới. Cứ như thể, nếu ngoài đời, hẳn cũng giống một đám đông xúm lại với giáo mác tua tủa vậy.

Đành rằng, ý định thì tốt, động cơ ban đầu tốt nhưng vì thiếu hiểu biết nên thành tồi tệ. Giống như Hải Điền, sẵn hơi men, động cơ can thiệp là tốt nhưng hành xử lại côn đồ. Giống như trên mạng xã hội, động cơ là bảo vệ bạn mình, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế. Nhưng bạn mình đúng không? Lẽ phải này đã thực là lẽ phải? Những thông tin đưa ra đã đủ và chính xác chưa thì chẳng ai nghĩ đến. 

Có thể nhiều người phản ứng vì pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, vì đôi chỗ, chính những người thực thi pháp luật còn bao che, làm ngơ, thiếu tôn trọng pháp luật. Thậm chí, có những trường hợp, pháp luật của chúng ta còn quá nhân đạo khiến nhiều kẻ coi thường pháp luật.

Như những kẻ rải đinh trên đường quốc lộ, những kẻ ném đá trên đường cao tốc mà xử phạt hành chính không thôi là chưa thoả đáng. Chúng ta ai cũng muốn pháp luật nghiêm minh và nặng tay hơn nhưng chính chúng ta cũng lại không thượng tôn pháp luật, coi thường pháp luật.

Chúng ta chỉ tuân thủ pháp luật khi thấy bóng dáng Công an. Chúng ta chỉ vờ nghe theo pháp luật vì nó là thứ chúng ta bị bắt buộc nghe theo. Và chúng ta dạy con mình bằng chính sự coi thường pháp luật như thế. Vậy chúng ta sẽ dùng điều gì, cái gì để bảo vệ bản thân và gia đình nếu chúng ta coi nhẹ pháp luật? Hay chúng ta lại dùng nắm đấm và sống theo kiểu “mạnh ai nấy đúng”?

“Câu chuyện “tốt bụng”, thứ khiến nhiều người đau lòng hơn cả đó lại chính là việc chúng ta phải đề phòng cả người “tốt bụng” mà thiếu hiểu biết ngoài kia. Họ rất đông và rất hung hãn. Làm sao biết và ngăn cản được cả một đám đông cuồng nộ lao vào bạn chỉ vì “có người bảo nó là thằng bắt cóc trẻ em”.

Nếu một ngày bạn dừng lại trò chuyện với một đứa trẻ chỉ vì nhìn cậu bé đó, cô bé đó rất dễ thương. Thậm chí, nếu một đứa trẻ làm điều xấu xí như vẽ bậy lên tường và bạn nhắc nhở nó thì nhận được sự “đáp trả hung hãn”  của đứa trẻ bằng việc khóc toáng lên rằng “Chú này bạo hành cháu”. Bạn sẽ phân bua sao trước một đám đông hung hãn luôn có lòng tin rằng “Trẻ em không bao giờ nói dối”?.

Bạn nhắc nhở bằng giọng nghiêm khắc cũng có thể bị coi là bạo hành. Vậy là bạn sẽ từ bỏ việc làm một điều tử tế chứ? Nghe thật đau lòng nhưng biết phải làm sao?” – nhà văn Hoàng Anh Tú đặt câu hỏi. 

Đọc thêm