Bi kịch tình ái của người phụ nữ giàu nhất thế kỷ XX

(PLO) -Đến khi kết hôn lần thứ 5, sự chọn lựa của Barbara Hutton vẫn không đúng đắn. Năm 1953, bà đã 41 tuổi, Porfirio Rubirosa là một quan chức ngoại giao của Cộng hòa Dominicana, đồng thời là một tay chơi nổi tiếng thường xuyên qua lại lừa tiền các tiểu thư, mệnh phụ phu nhân trong giới thượng lưu. 
Barbara Hutton với viên kim cương Pasha Diamond trên nhẫn
Barbara Hutton với viên kim cương Pasha Diamond trên nhẫn

Do lọc lõi chốn tình trường, nên khi Barbara Hutton tiến công, Porfirio Rubirosa đã nhanh chóng nhận lời kết hôn. Nhưng cuộc hôn nhân này đến rất nhanh mà đi cũng mau chóng: chỉ kéo dài được 53 ngày.

Khi chia tay, Porfirio Rubirosa đã nhận được từ Barbara Hutton 2,5 triệu USD “cấp dưỡng phí”. Ông ta xứng đáng là kẻ đào mỏ, làm giàu nhờ đàn bà.

Bi kịch hôn nhân

Năm cuộc hôn nhân thất bại không làm cho Barbara Hutton chùn bước trên con đường tìm kiếm tình yêu thực sự. Lần kết hôn thứ sáu, bà trao thân gửi phận cho một người bạn cũ của mình, ông Gottfried von Cramm – một tuyển thủ quần vợt. người Đức.

Xuất thân là Nam tước, kỹ năng quần vợt của ông cũng không phải loại xoàng, từng đoạt ngôi Á quân các giải Pháp mở rộng, Wimbledon, Australia mở rộng. Nhưng đau khổ thay, người bạn cũ Gottfried von Cramm này lại là một người “gay” (nam đồng tính ái), năm 1938 từng bị bắt giam vì “tội” quan hệ tình dục đồng tính.

Có nguồn tin nói, Gottfried von Cramm kết hôn là nhằm giúp Barbara Hutton chữa chứng nghiện thuốc chữa bệnh và chứng trầm cảm. Thế nhưng, cuộc hôn nhân không có sex đó cũng chấm dứt.

Người chồng thứ bảy, cũng là cuối cùng của Barbara Hutton là Pierre Raymond, một cựu thành viên Hoàng gia Lào, làm việc trong một công ty dầu lửa của Pháp. Hai người kết hôn khi Barbara Hutton đã 51 tuổi; có tài liệu nói Barbara Hutton đã mua hàm “Hoàng tử” cho Pierre Raymond từ viên đại sứ Lào. Cưới nhau được 2 năm thì bà và vị “Hoàng tử” này cũng ai đi đường nấy.

Lận đận trong đường tình duyên, Barbara Hutton cũng rất không may mắn trong tình cảm gia đình. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, đến khi 60, bà lại phải chịu nỗi đau mất con. Năm 1972, Lance Reventlow, người con trai duy nhất bà có được với người chồng thứ hai Haugwitz Reventlow bị tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay. Chuyện này như một cú giáng chí tử khiến Barbara Hutton suy sụp.

Nội thất biệt thự của Barbara Hutton ở trung tâm London
Nội thất biệt thự của Barbara Hutton ở trung tâm London

Bà hoàng hàng hiệu và kết cục bi thương

Thất bại trên tình trường, Barbara Hutton quay ra dành tất cả tình cảm cho đá ngọc. Trong bộ sưu tập của bà có rất nhiều món quý hiếm trên thế giới, phẩm vị rất cao nhã. Trong số ngọc ngà được bà sưu tập, có nhiều thứ đến từ các hoàng gia.

Ví dụ như ngọc trong chiếc mũ miện bà đội vốn là của nữ đại công tước Nga Vladimir, chuỗi vòng ngọc trai của Hoàng hậu Marie nước Pháp, dây chuyền bằng ngọc quý của Nữ hoàng Bồ Đào Nha Queen Amelie.

Các hãng trang sức nổi tiếng  Van Cleef & Arpels, Bvlgari, Cartier đều được bà đặt hàng “thửa” riêng những món trang sức bằng đá quý hay kim cương; trong đó có viên kim cương hình tròn lớn nhất thế giới Pasha Diamond (38,19 cara) và chiếc vòng cổ gồm 27 viên ngọc Phỉ thúy của Cartier có nguồn gốc từ cung đình nhà Thanh.

Năm 2014 tại cuộc bán đấu giá Sotheby mùa Xuân ở Hong Kong, chuỗi ngọc này đã được bán với giá 214 triệu HKD (hơn 7 tỷ VND).

Thế nhưng, vàng bạc, ngọc ngà dù đẹp đẽ, quý giá đến mấy cũng chỉ là thứ vô tri, không thay thế được tình người, Khi Barbara Hutton về già, những người thân đều lần lượt ra đi, bà vô cùng cô đơn. Để người khác ở bên cạnh, những đồ vật quý giá lần lượt trở thành quà tặng, bà thường tiện tay tặng chúng cho bất cứ ai.

Cả đời tiêu tiền như nước, lại thêm không biết cách quản lý tài sản, mọi khoản đầu tư đều thua lỗ; cuối đời Barbara Hutton chỉ có thể sống qua ngày bằng cách bán dần tài sản. Năm 1978, sau khi bà qua đời vì bệnh tim, luật sư thanh lý tài sản của bà thì thấy gia sản mấy chục triệu USD khi xưa, chỉ còn lại 3000 USD...