1 đời gắn với nghề thuốc
Về đến sơn thôn Hội Phú dưới chân dãy Trường Sơn, hỏi ông Trần Ngọc chẳng mấy người biết, bởi ở đây theo thói quen, người ta gọi ông với cái tên khác, là ông Tám Trưng, Tám là thứ, Trưng là tên người con đầu. Tục ở đất này nó vậy. Ông Ngọc nay lên hàng cụ, tuổi ông ở quanh vùng dạng hiếm, nhưng ông vẫn cứng cáp, đôi mắt sáng rỡ, giọng đặc ấm.
Nói chuyện sức khoẻ, ông bảo tuổi này ở nhà chứ cách đây chục năm, ông lạch cạch trên chiếc xe đạp “trành” (xe cũ), có khi cả trăm cây số chữa bệnh cho người ta. Càng về già, quãng đường ông đi giảm dần, rồi chỉ ở nhà, người bệnh lúc này phải đến nhà để ông chữa trị. Có lẽ cũng vì sống giúp đời, trời cho ông khoẻ đến bây giờ.
Nhớ lại hồi xưa, ông Ngọc khi mới ngoài 20 tuổi, vì đói quá phải bỏ xứ đi, vào tận núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) phát rẫy cao su thuê. Đời đẩy đưa, vài năm sau ông dạt đến biên giới Campuchia, làm thuê cho một chủ đất người Khơ me. Ông này vốn là một thầy thuốc cao tay, chữa trị được các loại bệnh như gai cột sống, thần kinh tọa, gân khớp…
Ông Ngọc thấy ở quê nhà nhiều người bị nhiều bệnh về xương khớp mà không tiền bạc thuốc thang, mạo muội xin học vài bài thuốc về chữa cho bà con. Thầy thuốc người Khơ me không dạy, lý do là bài thuốc bí truyền, hơn nữa ông Ngọc lại khác dòng máu. Ông Ngọc vẫn muốn học, nhiều lần thuyết phục cuối cùng người chủ nhà đồng ý truyền nghề sau khi đã xem tay xem tướng.
Được nhận làm đệ tử, ông Ngọc khi nào rảnh rỗi việc ruộng đồng thì phụ thầy chữa bệnh, học nghề kiểu cầm tay chỉ việc. Miệt mài suốt 5 năm, chàng thanh niên mới lĩnh ngộ được hết các bài thuốc của ông thầy người Khơ me. Thời gian sau đó ông trở về quê, về lại với cuộc sống khốn khó, cái đói cái nghèo đeo bám nhưng vẫn một lòng nuôi ý nghĩ chữa bệnh cứu người.
“Lúc đầu, tôi chỉ chữa bệnh cho những người thân trong gia đình, bà con họ hàng, với người dân ở địa phương. Sau ngày đất nước giải phóng, cuộc sống yên bình, tay nghề tôi đi lên dần. Tôi đi nhiều nơi chữa bệnh, bởi đau yếu bệnh này người ta đi lại rất khó khăn, bệnh nhân đông, có lần đi cả tháng ròng, có nơi lưu lại cả tuần để chữa bệnh. Sau này tôi đi xa bất tiện, mới chữa bệnh ở nhà”, cụ Ngọc kể.
Nhà ở vùng bán sơn địa, khuất dưới góc núi, người bệnh tìm đến cụ Ngọc đa phần nghèo khó ở quê, thỉnh thoảng có dân thành phố tìm về, là những ca nặng đã vái nhiều phương chẳng bớt. Ai đến ông cụ cũng đều đón tiếp, cứu giúp mà không phân biệt. Ai khó khổ, cụ ông chữa trị miễn phí, gì chứ một buổi xoa bóp, ấn huyệt, giác hơi, cắt lể thì ông chẳng tiếc với ai, xưa giờ vẫn vậy.
Những trường hợp nặng, cụ ông tiếp tục dùng bài thuốc gồm có các thành phần như thuốc võ (một bài thuốc cổ truyền dùng trong võ thuật), thạch tín, mã tiền, rễ cây bí cẩn… để đắp lên rồi hơ nóng bên trên. Khi thuốc nóng lên sẽ thấm vào cơ thể giúp giảm cơn đau và điều trị căn bệnh. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ về nhà tự dùng bài thuốc Nam với 12 vị thuốc, là bài thuốc có thể điều trị hầu hết các chứng bệnh về xương khớp mà năm xưa ông học được.
Cụ ông kể, có bài thuốc Nam ở dạng bột đã được ông cất công điều chế, có tác dụng tái tạo chất nhờn khớp gối và cột sống, dùng trị các bệnh về xương khớp, như thoái hóa, gai cột sống… Chẳng những giúp tạo chất nhờn, thuốc còn nuôi dưỡng sụn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng cường sức mạnh liên kết cơ, gân, sụn khớp.
Bà Linh 2 lần khỏi bệnh nhờ đến ông Ngọc chữa trị |
Khắc chế những ca bệnh nặng
Nhiều người có cảm nhận như vậy sau lần bệnh tật hành hạ được cụ Ngọc chữa trị khỏi bệnh, sức khỏe hồi phục. Bà Huỳnh Thị Phàn (66 tuổi, ở xóm Gò Ké, thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa) nhớ lại, khoảng hơn 20 năm trước, chân trái của bà bỗng dưng sưng tấy, đau nhức từ đùi tới bàn chân. Bệnh mỗi ngày một nặng khiến bà dường như chẳng thể đi lại được, tiêm mãi nhưng mãi vẫn không bớt bệnh.
Bệnh viện trả về, bà Phàn rơi vào tuyệt vọng, may sao lúc đó có người quen nói chở đến cụ Ngọc. Cụ ông xem sơ qua rồi thông báo bà bị viêm khớp nặng, nói rồi giác hơi, đắp thuốc ở các khớp chân, sau đó trao tay 10 thang thuốc Nam để về sắc uống.
“Tôi chẳng biết đó là bài thuốc gì, chỉ nhớ hồi đó tôi đem về uống được chừng 3 tháng thì bớt đau. Sau đó vài năm tôi có bị tái phát lần nữa, đến ông Ngọc chữa trị lần 2 thì bây giờ gần như đã khỏi hẳn”, bà Phàn thuật lại.
Bà Võ Thị Quế Linh (52 tuổi, ở thôn An Lạc, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) kể, năm 2007, bà đau cột sống lưng của bà đau dữ dội, uống thuốc Tây cả tháng không bớt mà mỗi ngày một nặng thêm, thời tiết thay đổi là ê ẩm mình mẩy. Bà đi khám lần 2, tiếp tục uống thuốc Tây nhưng bệnh tình cũng chẳng thuyên giảm chút nào.
Lúc này, được nhiều người mách nước về cụ Ngọc, nhà nằm dưới chân núi ở cuối xã nên bà Linh tìm đến. Sau khi hỏi bệnh tình, cụ ông nói bà Linh bị đau cột sống lưng nặng, nhưng không điều trị kịp thời nên bệnh phát tán ra toàn cơ thể, đặc biệt là khớp chân. Nói rồi, cụ ấn huyệt, giác hơi, sau đó bốc cho bà Linh 5 thang thuốc Nam với 12 vị về sắc uống.
“Tôi uống 5 thang thuốc thì thấy người nhẹ nhõm hẳn, không còn những cơn đau khắp người như trước. Việc đi lại bình thường, kể cả bưng những vật dụng nặng trong nhà”, bà Linh kể. Cũng theo bà, năm 2010, bà sơ ý trượt ngã, cơn đau lưng xuất hiện, gây vẹo lưng, còng lưng và dáng đi không bình thường. Bà đi khám bác sỹ thì được khuyên phải mổ.
Bà nghe đến phẫu thuật và nằm viện điều trị dài ngày thì đắn đo, gia đình cũng lo lắng. Họ đưa bà đến cụ Ngọc, cụ ông xem qua rồi nói sẽ chữa khỏi bệnh cho bà mà không ai tin được. Nhưng sau nhiều lần chữa bằng trị liệu kết hợp bài thuốc được bào chế từ công thức bí truyền, bệnh tình bà thuyên giảm sau 2 tuần dùng thuốc. “Từ ngày đó đến nay tôi không bị tái phát nữa”, bà Linh vui vẻ nói.
50 năm chữa bệnh cứu người, ông Ngọc chẳng nhớ rõ mình đã chữa trị bớt bệnh cho bao nhiêu người, chỉ nhớ rất nhiều. Bà Phàn và bà Linh là hai bệnh nhân tương đối gần nhà nên ông nhớ rõ, còn nhiều ca bệnh nặng khác ở xa ông chỉ nhớ mang máng, nhiều khi chữa bệnh thì chữa nhưng không để tâm về tên tuổi họ, cái mà ông đặt trên hết là việc bớt bệnh.
Giờ ông không đi xa được nữa, nhiều người bệnh ở xa có thể liên lạc rồi đến ông chữa bệnh, thuốc thang sau đó có thể gửi qua đường bưu điện. Bà Vũ Thị The (43 tuổi, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM) bị đau dây thần kinh toạ, đau thắt hông bên trái xuống đùi, nhờ 20 thang thuốc Nam của cụ Ngọc mà chứng đau thuyên giảm nhiều.
Đặc biệt hơn thế, ông Nguyễn Phi Hùng (Hội Văn học nghệ thuật An Giang) bị chứng bệnh xương khớp 4, 5 năm nay, điều trị khắp nơi chẳng bớt. Biết đến cụ Ngọc nhưng đường xá xa xôi, ông gửi thư ra nói về hoàn cảnh mình, không ngờ cụ ông tốt bụng gửi thuốc Nam vào giúp điều trị bệnh. Cảm động tấm lòng của lão nông, ông Hùng làm bài thơ cảm tạ tấm lòng, in ra giấy khổ lớn rồi gửi ra tặng.
Bài thuốc Nam ông Ngọc lặn lội lên rừng tìm hái |
Nay đã ở tuổi 85 rồi nhưng ông Ngọc vẫn say sưa với cái nghiệp đã bám vào thân. Hàng ngày, nếu không phải bốc thuốc chữa bệnh, ra bưu điện gửi thuốc thì ông Ngọc lặn lội khắp các vùng núi rừng ở tỉnh Bình Định để tìm cây thuốc. Nhìn số thuốc đang phơi ngoài sân, ông bảo bây giờ cây thuốc ngày càng khó tìm, nhưng phải gắng, người bệnh tới nhà không có thuốc cho họ thì rất áy náy.
Phụ ông Ngọc làm thuốc hàng ngày bây giờ có người con trai út Trần Văn Tuấn (42 tuổi). Anh Tuấn đang theo học nghề của cha, từ việc lên rừng lấy thuốc, sơ chế, kết hợp thành bài thuốc chữa bệnh đến các phương pháp chữa trị vốn cần nhiều thời gian để lĩnh hội. Đây là niềm mong mỏi của lão nông khi không muốn bài thuốc Nam mình tâm huyết bị thất truyền.