Ngày ấy...
Năm 1958, mặc dù đã được Ngô Tổng thống giao Dinh II ( Dinh Toàn quyền) cho vợ chồng “Bà cố vấn” Trần Lệ Xuân làm “Dinh thự mùa hè”. Tuy nhiên để thể hiện uy quyền, “Bà cố vấn” đã quyết định cho xây Dinh Lệ Xuân gồm 3 toà biệt thự xinh đẹp, xa hoa và lộng lẫy trên sườn đồi đường Yết Kiêu (sau lưng Ty Cảnh sát) gồm: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc.
Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Lệ Xuân và các tướng tá Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với phòng ăn uống, vui chơi và hồ bơi. Lam Ngọc dùng làm nơi nghỉ ngơi cuối tuần của gia đình Lệ Xuân gồm: Lam Ngọc I dành cho Ngô Đình Nhu có sảnh ngắm trăng, phòng tiếp khách, phòng làm việc và cửa vào đường hầm thoát hiểm được đổ bê tông chắc chắn; Lam Ngọc II dành cho Lệ Xuân thì có phòng trang điểm, phòng khiêu vũ, phòng ngủ, hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40.
Lam Ngọc I và II nối với nhau bởi bếp ăn và đường ra vườn hoa Nhật Bản. Riêng Hồng Ngọc là biệt thự mà “Bà cố vấn” quyết định xây tặng cho người cha thân yêu của mình là ông Trần Văn Chương, lúc bấy giờ đang làm Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ.
Ngày khánh thành Dinh Lệ Xuân, Ngô Tổng thống đã lên “cắt băng” và đi thăm toàn bộ khuôn viên. Ngoài sân, hồ bơi, vọng đài còn có một vườn hoa do những kỹ sư được thuê từ Nhật Bản sang thiết kế (nên còn gọi là vườn hoa Nhật Bản).
Điểm độc đáo là phía sau biệt thự Lam Ngọc có một hồ sen được đào đắp công phu theo hình địa đồ Việt Nam. Khi bơm đầy nước trên hồ sẽ hiện rõ một dải non sông Việt Nam gấm vóc hình cong chữ S. Giữa hồ có dải đá phân cách thể hiện Vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc - Nam. Bên trên có một hầm chứa vũ khí để phòng khi bất trắc bị tấn công.
Có lẽ đây là ý tưởng điên rồ mong muốn chia cắt vĩnh viễn Tổ quốc Việt Nam của “Bà cố vấn” đầy quyền uy bậc nhất miền Nam một thời, muốn đưa đến tận chốn hưởng lạc này!
|
Biệt thự Hồng Ngọc. |
Song trớ trêu thay, chính chủ nhân của nó -“Dân biểu” Trần Lệ Xuân là người đã phác thảo ra đạo luật gia đình để trình bày trước Quốc hội chế độ Sài Gòn vào ngày 13/12/1957 gồm 135 điều, trong đó có những quy định hết sức nghiệt ngã như: Cấm trai gái cầm tay nhau đi ngoài đường, cấm đàn ông không được ly dị, cấm đa thê, truất quyền của con ngoại hôn...
Năm 1959 Ngô Đình Diệm đã ký ban hành Luật Gia đình số 1/59 của Trần Lệ Xuân mà lúc bấy giờ người ta mỉa mai là “Luật bà Nhu”!
Sau đó anh em Diệm, Nhu bị chính các tướng tá VNCH giết chết trong cuộc “đảo chánh” ngày 01/11/1963. Lúc bấy giờ Trần Lệ Xuân đang ở nước ngoài đã điện về cho người tình là Tướng Trần Văn Đôn, nghẹn ngào nói: “Tôi còn cái nhà trên Đà Lạt, ông giữ giùm tôi được không?”. Tướng Đôn lo lắng trả lời: “Chính phủ sẽ giữ cho bà”. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh tịch thu Dinh Lệ Xuân và biến thành Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên.
Sau năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ Sài Gòn, không ít cổ vật vô giá tại Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên đã bị đánh cắp, tuồn ra nước ngoài. Những năm tiếp theo, Dinh Lệ Xuân bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều tiểu công trình kiến trúc quý giá trong khuôn viên bị đập phá, trộm cắp. Những phòng ốc xinh đẹp ngày nào được người ta tận dụng để... chăn nuôi gia súc. Hồ tắm thì dùng làm nơi…nuôi cá...
|
"Bà cố vấn" Trần Lệ Xuân. |
Hôm nay
Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư hơn 53 tỷ đồng nhằm trùng tu, khôi phục toàn bộ Dinh Lệ Xuân với vẻ đẹp tráng lệ như ngày nào làm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và đưa vào hoạt động để du khách đến tham quan.
Đây là nơi bảo quản, lưu giữ 34.619 tấm mộc bản, tương đương 55.320 mặt khắc gỗ cực kỳ quý giá của triều Nguyễn mà chính Ngô Đình Nhu những ngày mới tốt nghiệp Trường Ecole Nationale des Chartes (đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp) đã từng sưu tầm.
Theo Tiến sĩ Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), trong công trình nghiên cứu “Ngô Đình Nhu - Nhà lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938 - 1946”, tính đến năm 2007, Ngô Đình Nhu là “người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tốt nghiệp trường đào tạo cổ tự viên Ecole Nationale des Chartes”.
Hiện nay, trong các chuyên đề lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV có một tiểu chuyên đề về “Ngô Đình Nhu - Nhà lưu trữ”. Đây là điều khá thú vị về Ngô Đình Nhu và Dinh Lệ Xuân mà chắc chắn nhiều người chưa được biết.
Hiện nay, kho tàng mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại Dinh Lệ Xuân là một dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới. Đây thực sự là những tài sản vô giá. Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận vào ngày 31/7/2009. Thời gian gần đây, dư luận đã bắt đầu quan tâm đến kho tàng này, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đăng ký được tham quan, tìm hiểu.
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, tính từ năm 2008 đến tháng 8/2015 đã có 284.508 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Hôm nay, đến thăm Dinh Lệ Xuân, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc xa hoa, tráng lệ để hồi tưởng về một thời vàng son của “Bà cố vấn” Trần Lệ Xuân mà còn được khám phá những công trình văn hóa cực kỳ quý giá của Vương triều nhà Nguyễn thuở hoàng kim./.