Năm 2009, Phạm Xuân Linh sinh năm 1981, ngụ quận 4 nên duyên vợ chồng với chị Phạm Thị Hồng (sinh năm 1981, quê Tiền Giang). Do hoàn cảnh hai bên gia đình tương đối khá giả nên đôi vợ chồng trẻ cũng không mấy phải nặng gánh về cơm áo gạo tiền. Sau đó mấy tháng, chị Hồng sinh được một cháu gái xinh xắn, khỏe mạnh.
Thế nhưng càng về sau cuộc sống tinh thần của vợ chồng Linh càng lâm vào bế tắc, ngột ngạt. Thấy không còn hợp với nhau nên năm 2012, vợ chồng Linh đưa nhau ra tòa để “giải thoát” cho nhau.
Theo thỏa thuận thì chị Hồng được quyền nuôi con, còn Linh có trách nhiệm cấp dưỡng cho con mỗi tháng 5 triệu đồng. Mỗi tuần Linh được đến đón con về nhà mình từ chiều thứ 6 đến chiều chủ nhật thì mang qua cho chị Hồng.
Thời gian đầu, chị Hồng cũng tạo điều kiện cho Linh có nhiều thời gian chăm sóc con. Thế nhưng sau đó chị Hồng cho rằng Linh thường cho con đi chơi nhiều, bỏ học nhiều nên chị Hồng la mắng, hạn chế Linh đến đón con.
Do bị hạn chế quyền thăm nuôi con nên Linh bức xúc và sinh ra mâu thuẫn với vợ cũ. Hai người ai cũng cho rằng mình có quyền này quyền kia, cho rằng mình mới là người thương con nhất… nên chẳng ai chịu nhường ai. Cứ mỗi lần thấy Linh đến đón con đi chơi là chị Hồng lại la mắng, xúc phạm Linh.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn ấy là vào sáng 10/5/2015, theo lịch, Linh đến đón con về nhà mình thì chị Hồng chửi bới, nói rằng nếu còn cho con nghỉ học thì đây là lần Linh được đón con cuối cùng. Chị Hồng cũng cho biết là mình sắp đi lấy chồng và theo chồng ra nước ngoài nên Linh chuẩn bị tinh thần chia tay với con.
Sau khi chở con về nhà, do tức tối về việc bị vợ cũ xúc phạm nên Linh nảy sinh ý định muốn tới nhà để nói chuyện với chị Hồng. Do xưa nay nhiều lần muốn ngồi nói chuyện với vợ cũ nhưng Linh không thể vào nhà được mà phải ở ngoài cổng đón con nên Linh nghĩ phải cải trang thì mới vào được nhà. Nghĩ vậy nên Linh mặc bộ quần áo giống nhân viên điện lực, bịt khẩu trang, đeo kính đen rồi chạy tới nhà vợ cũ, giả giọng, gõ cửa đề nghị sửa điện tại lầu 1.
Tưởng thật, chị Linh mở cửa để “nhận viên điện lực” vào sửa. Tuy nhiên vừa tới phòng thì Linh lấy con dao mang sẵn, kề vào cổ chị Hồng yêu cầu nói chuyện, nhưng bị chị Hồng phản kháng, kêu la cướp cướp.
Trong quá trình giằng co, con dao cắt trúng vào cổ chị Hồng. Sau đó Linh đẩy vợ vào nhà tắm và chạy xuống cầu thang. Tuy nhiên chị Hồng tiếp tục chạy ra và kêu cứu.
Sợ bị lộ, Linh quay lên ôm vật vợ xuống nền đất rồi đập đầu vợ xuống nền nhà 2 cái khiến chị bất tỉnh. Linh xuống nhà định tẩu thoát thì bị quần chúng nhân dân giữ lại. Qua kiểm tra, người dân phát hiện chị Hồng nằm bất động nên đưa đi cấp cứu, nhưng do bị chấn thương sọ não nặng nên chỉ vài giờ đồng hồ sau thì chị tử vong.
Với hành vi đó, Phạm Xuân Linh bị truy tố về tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 18 đến 20 năm tù. Tuy nhiên xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục một phần hậu quả… nên HĐXX quyết định chỉ tuyên phạt bị cáo Linh 15 năm tù. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo bồi thường một khoản tiền về tổn thất tinh thần, ma chay…
Cho rằng bản án sơ thẩm là quá nhẹ đối với bị cáo nên đại diện gia đình bị hại làm đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với Linh.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/5/2017, đại diện bị hại cho rằng, việc Linh giết chị Hồng là do ghen tuông, chứ không phải vì bị ngăn cản trong việc thăm con. Việc bị cáo nói sau khi ly hôn không chia tài sản với chị Hồng, mà để lại toàn bộ cho chị Hồng (nhà cửa, shop buôn bán, ô tô và nhiều tài sản khác) không phải là sự cao thượng của bị cáo, bởi tài sản đó toàn là tài sản do mẹ chị Hồng để lại. Đại diện bị hại đề nghị HĐXX tăng mức án đối với bị cáo.
Luật sư phía bị hại cho rằng hành vi của bị cáo là có tính côn đồ, chuẩn bị hung khí ngay từ đầu (con dao) nhằm giết chị Hồng. Tuy nhiên khi con dao gãy thì mới chuyển qua dùng tay đập đầu chị Hồng xuống đất, nếu con dao không gãy thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vị luật sư này cũng nêu ra một số vấn đề và cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, vi phạm tố tụng… và đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm.
Mẹ chết, cha đi tù, giờ đây người bị tổn hại nhiều nhất có lẽ vẫn là cháu Yến Thy. Không chỉ biết mẹ chết vì cha, mà cháu còn chịu nhiều điều trái khoáy hơn khi nội - ngoại, họ hàng của cháu đang còn một “cuộc chiến” khác, cuộc chiến tranh giành nuôi cháu và cả cuộc chiến tranh giành tài sản mà mẹ cháu để lại.
Được biết, ngày chị Hồng mất, một người cậu của chị đã bỏ tiền ra lo ma chay chu đáo. Thế nhưng khi ra tòa thì bỗng dưng xuất hiện người cha “ngoài giá thú” cho rằng ông đã bỏ tiền ra lo hậu sự cho con. Qua xác minh ông này đúng là cha chị Hồng, nhưng người này ở Tiền Giang và thỉnh thoảng mới lên thăm mẹ con chị một lần, bởi ông này đã có vợ con, nhưng vì có tình cảm với mẹ chị Hồng nên hai người có con chung. Còn thực tế thì chị Hồng từ nhỏ đã ở với người cậu, được người này chăm sóc chu đáo… Vậy là từ đó xuất hiện cuộc chiến tranh tài sản, tranh quyền nuôi cháu Thy càng khiến tâm hồn bé bỏng ấy như bị xé nát và đau thêm bội phần.
Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tính chất, mức độ hành vi của bị cáo và tuyên mức án 15 năm tù là có tình có lý nên bác kháng cáo của đại diện bị hại, giữ y án sơ thẩm.
(Tên bị hại đã được thay đổi)