Biên bản họp gia đình có giá trị pháp lý để chia di sản?

(PLVN) - Có một thực tế khá phổ biến là cha mẹ khi phân chia tài sản cho con thường họp mặt gia đình (gia tộc), có sự chứng nhận của người làm chứng hay chính quyền địa phương. Vậy, biên bản họp mặt gia đình có hay không có giá trị pháp lý về  thừa kế, tặng cho tài sản? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vợ chồng ông K.V.T và bà N.T.D có 5 người con. Năm 2010 ông T chết. Quá trình chung sống hơn 40 năm, ông bà tạo lập được một số nhà, đất và tài sản có giá trị khác. Năm 2012, bà D tổ chức họp cùng đông đủ các con và thống nhất chia gần 1200m2 đất (sau khi trừ đất làm đường đi chung rộng 3m) làm 4 phần để cho 4 người con.

Các tài sản khác (nhà, đất và vật dụng sinh hoạt), bà D toàn quyền đứng tên và định đoạt, các con không có quyền yêu cầu. Năm 2018, bà D lại họp mặt gia đình để chia tài sản cho các con nhưng nêu rõ, biên bản chỉ có hiệu lực sau khi bà D qua đời. Cả 2 biên bản họp gia đình được các thành viên thống nhất ký tên, Trưởng khu phố xác nhận, UBND phường chứng thực nội dung và chữ ký của người tham dự là thật. 

Chưa thật sự yên tâm với nội dung và hình thức biên bản trên, bà D còn băn khoăn vì không rõ Biên bản họp gia đình có giá trị pháp lý như thế nào? Biên bản này sẽ được công nhận là di chúc hay văn bản phân chia di sản thừa kế, hay văn bản tặng cho tài sản? 

Ths Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng, tình huống của bà D nêu trên có thể hiểu theo nhiều quan hệ: 

Trường hợp thứ nhất, biên bản họp gia đình có nội dung phân chia di sản thừa kế: Do ông T không để lại di chúc nên di sản của ông T sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất (vợ và các con). Việc họp mặt gia đình gồm những người thừa kế để thỏa thuận người quản lý di sản, người phân chia di sản, cách thức phân chia di sản.

Biên bản họp gia đình đã đáp ứng về mặt hình thức (bằng văn bản, có sự chứng nhận của chính quyền địa phương) và nội dung (tự nguyện, không bị cưỡng ép, cũng không trái với quy định pháp luật) được quy định tại Điều 656 BLDS năm 2015 (về họp mặt những người thừa kế) và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. 

Trường hợp thứ hai: Nếu biên bản họp gia đình có nội dung tặng cho (được thể hiện bằng các từ ngữ như: cho, để lại, nhượng, nhường lại, thống nhất…) thì có thể được coi là ý chí của cá nhân nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của mình cho người khác khi họ còn sống hay sau khi chết. Các bên cho và nhận đã ký tên vào văn bản, nếu có chứng thực của UBND xã thì đáp ứng đầy đủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực: “Tự nguyện”, “thể hiện bằng văn bản” (Điều 117, 119, 502 BLDS) và “được công chứng hoặc chứng thực” (Điều 167 Luật Đất đai năm 2013). 

Trường hợp thứ ba: biên bản họp gia đình tuy tiêu đề không phải là di chúc, nhưng nội dung lại thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, nếu đảm bảo được nội dung của di chúc (Điều 631 BLDS), không trái pháp luật và đạo đức xã hội (Điều 630 BLDS) thì có thể được công nhận là di chúc hợp pháp. Biên bản họp gia đình này nếu đáp ứng được các điều kiện của một “di chúc bằng văn bản không có người làm chứng”, “di chúc bằng văn bản có công chứng”, “di chúc bằng văn bản có chứng thực” thì cho dù có chữ ký của người thuộc diện thừa kế (các con) thì cũng không ảnh hưởng.

Từ những phân tích nêu trên, Biên bản họp mặt của gia đình bà D nhiều khả năng được công nhận là một giao dịch dân sự (tặng cho, thỏa thuận phân chia di sản…) và được công nhận là di chúc, nhưng có khi lại chỉ được xem như văn bản họp mặt người thừa kế (theo Điều 656 BLDS) để thông báo mở thừa kế và thỏa thuận cách thức phân chia di sản.

Quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đã đầy đủ, rõ ràng như trên. Chính vì vậy, khi lập biên bản họp gia đình thì cần thể hiện nội dung rõ ràng (ai tặng cho ai; thỏa thuận chia di sản những tài sản nào; di chúc cho ai tài sản gì...).

Để có cách hiểu thống nhất, trong trường hợp trên thì tốt nhất những người thừa kế cần thu thập đủ các giấy tờ thể hiện quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của bố mẹ và lập “văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” (có công chứng hoặc chứng thực). Sau đó, cá nhân sẽ lập di chúc riêng hoặc lập hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật dân sự và đất đai nhằm tránh rủi ro, rắc rối sau này. 

Đọc thêm