Biến động giá cả chợ dân sinh mùa dịch

(PLVN) - Hà Nội đã trải qua ba tuần giãn cách, một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất vào thời điểm này có lẽ là giá thực phẩm. Tại các chợ dân sinh, truyền thống trên địa bàn Hà Nội, giá cả đang có xu hướng tăng, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Chợ dân sinh luôn là lựa chọn của nhiều bà nội trợ

Sau một vài tin tức về ca mắc COVID-19 tại các siêu thị và chợ đầu mối khiến nhiều người dân lo lắng và quan ngại. Giờ đây chợ dân sinh đang là địa điểm được các bà nội trợ lựa chọn để mua bán thực phẩm cho gia đình. Với tiêu chí bình ổn, giá cả không tăng vậy nhưng một, hai tuần trở lại đây, chợ dân sinh đang có những biến động giá cả bất thường.

Trứng gia cầm là mặt hàng tăng giá mạnh nhất tại chợ dân sinh.

Quả thực, những ngày này dù lượng người đi chợ khá vắng vẻ nhưng các mặt hàng lại có sự biến động tăng mạnh ở hầu hết các chợ dân sinh. Khảo sát tại chợ Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội nhiều mặt hàng đang tăng giá chóng mặt. Thịt gà từ 120 nghìn đồng/kg lên 150 nghìn đồng/kg, thịt lợn từ 150 nghìn đồng/kg lên 180 - 200 nghìn đồng/kg,…

Các loại rau xanh cũng tăng giá nhẹ

Các loại rau xanh cũng tăng giá nhẹ, dưa chuột từ 20 nghìn đồng/kg tăng lên 40 nghìn đồng/kg; đậu phụ từ 3 nghìn đồng/bìa lên 5 nghìn đồng/bìa, bí xanh, bắp cải cũng tăng lên 25 nghìn đồng/kg… Đặc biệt, mặt hàng trứng gia cầm đã tăng giá đột biến những ngày qua. Nếu trước giãn cách trứng chỉ 30 – 35 nghìn/ chục thì theo ghi nhận hiện tại trứng đã tăng giá lên 55 – 60 nghìn/chục.

Trước sự tăng giá bất ngờ này, chị Đ.L (tiểu thương tại chợ Bách Khoa) chia sẻ: “Thời gian này, giá cả thực phẩm có tăng so với trước đây, nguyên nhân không phải do khan hiếm hàng mà vì do giãn cách xã hội nên vận chuyển hàng hoá hết sức khó khăn. Đây cũng là nỗi lo chung của các tiểu thương khi mà nhiều xe chở thực phẩm không vào được thành phố, chúng tôi cũng không có hàng để bán".

Các tiểu thương cũng lo lắng vì giá tăng

“Nguyên nhân cũng do nhiều chợ đầu mối đóng cửa, tôi phải lấy hàng ở chợ gần, buôn ở chợ nhà nên cái gì cũng đắt đỏ. Còn cả việc đưa thực phẩm từ các vùng lân cận vào thành phố gặp nhiều khó khăn, đẩy giá thực phẩm lên cao. Chứ tiểu thương như chúng tôi không tự tăng giá được.” – một tiểu thương khác chia sẻ thêm.

Có thể thấy giá cả thực phẩm tăng cao đang là tình hình chung ở nhiều nơi. Ngoại trừ mặt hàng trứng tăng giá do khan hiếm nguồn hàng, các loại thực phẩm khác tăng giá chủ yếu là do nhiều chợ đầu mối đóng cửa và khâu vận chuyển khó khăn.

Đặc biệt, dù biết giá cả tăng mạnh như vậy nhưng nhiều bà nội trợ vẫn chấp nhận giá cao để đi chợ dân sinh. Chị T.T (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Biết là vào chợ dân sinh giá sẽ bất ổn hơn ở siêu thị nhưng tôi vẫn chọn đi chợ vì không gian thoáng đãng. Tôi có đọc vài vụ nhân viên siêu thị lớn bị nhiễm Covid nên vẫn sợ vào đó vì không gian kín dễ lây lan dịch lắm”.

Để sớm đưa giá thực phẩm, rau xanh trở lại bình thường, Sở Công Thương Hà Nội đang dự kiến cho các chợ đầu mối mở cửa trở lại

Giá cả thực phẩm biến động từng ngày cũng khiến cho nhiều người dân không khỏi bất ngờ và lo lắng. Do khó khăn dịch bệnh, thu nhập không được như trước mà giá cả lại tăng nhanh chóng mặt khiến nhiều nhà phải cắt bớt khẩu phần ăn so với lúc trước và chi tiêu cho ăn uống tiết kiệm hơn.

Để sớm đưa giá thực phẩm, rau xanh trở lại bình thường, Sở Công Thương Hà Nội đang dự kiến cho chợ đầu mối phía Nam mở cửa trở lại, còn chợ đầu mối Minh Khai đang được phun khử khuẩn để nhanh chóng hoạt động. Như vậy giá cả thực phẩm sẽ sớm trở lại bình thường để người dân có thể yên tâm đi chợ.

Đọc thêm