Biến nắng gió khắc nghiệt thành nguồn lực

(PLVN) - Có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt bậc nhất Việt Nam với nắng chang chang và gió Lào ngả nghiêng núi đồi, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra quan điểm “biến điều bất lợi thành có lợi”, thu hút đầu tư các dự án điện gió, năng lượng mặt trời. Thay vì tránh gió, Quảng Trị trở thành nơi đón gió. Dù trong quá trình thực hiện, có thể có những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, sửa đổi; nhưng không thể phủ nhận khát vọng, ý chí vượt khó của Quảng Trị trên con đường đưa địa phương này trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.
Một dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa.

“Siêu công trường” dự án điện năng lượng tái tạo

Ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung không chỉ được đề cập trong Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2024.

Khát vọng này trước đó đã được thể hiện, dù chưa thực sự rõ nét trong Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII. Đó là “ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng”; “xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.

Mọi chuyện sau đó xảy đến quá nhanh. Quảng Trị trở thành điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư năng lượng. Có thể nói, đó là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Về xu thế, toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng hướng tới năng lượng sạch. Về điều kiện tự nhiên, Quảng Trị có những điều kiện gần như “hoàn hảo” như quỹ đất lớn, nắng, gió, để phát triển điện gió, điện mặt trời. Về con người và môi trường đầu tư, địa phương luôn cởi mở, chân tình, tạo điều kiện tối đa. Ngoài chính sách đầu tư của Chính phủ, tỉnh còn có những chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Quảng Trị khi ấy được ví như một “siêu công trường” ngành Điện, với những đoàn xe chở những thiết bị máy móc “siêu to, siêu khổng lổ”, với những cánh đồng điện gió rộng bạt ngàn cả ngàn ha…

Ông Hà Sỹ Đồng (bên trái) tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Với tiềm lực và thực tế như trên, Quảng Trị đặt chỉ tiêu đến năm 2025 hòa vào lưới điện quốc gia 3.000MW, đến năm 2030 đạt khoảng 9.000 - 10.000MW. Tuy nhiên thực tế chưa được như kỳ vọng, đến nay toàn Quảng Trị mới có 1.119,5MW hòa vào lưới điện quốc gia. Trong đó, điện gió 742,2MW; điện mặt trời 119,6MW; thủy điện 167,5MW; điện mặt trời mái nhà 90,2MW. Lý do khiến mục tiêu chưa đạt, vì sau quãng thời gian “chạy đua” xây dựng lắp đặt, một số dự án lớn đầu tư vào ngành Điện chậm triển khai; một số gặp vướng mắc, đã tạm dừng.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư các dự án nguồn điện, các dự án đường dây và trạm biến áp có trong Quy hoạch điện VIII, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Triển khai xây dựng hoàn thành các dự án đường dây, trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV đấu nối để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo khu vực phía Tây của tỉnh và nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Giải thích cụ thể hơn về một số vướng mắc, đại diện UBND tỉnh cho biết, với các dự án năng lượng tái tạo đã có trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh: Hiện tỉnh có 11 dự án điện gió với tổng công suất 424MW và 7 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 93MW đang triển khai đầu tư. Trong đó, có dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 4 đã hoàn thành công tác lắp đặt nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện quy trình về thử nghiệm và giám sát thử nghiệm đấu nối vào lưới điện quốc gia để được vận hành chính thức trong hệ thống điện quốc gia.

Bên cạnh đó, một số dự án khác còn vướng mắc trong quá trình gia hạn đấu nối, các thỏa thuận chuyên ngành với ngành Điện, dẫn đến tiến độ triển khai chậm.

Đích đến “trung tâm năng lượng miền Trung”

Tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo tổ chức cuối năm 2024, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vướng mắc để sớm đưa các dự án này đi vào hoạt động.

Đồng thời, trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, xem xét, bổ sung tăng thêm cho tỉnh Quảng Trị khoảng 1.500 - 2000MW công suất điện gió trên bờ và 2.600 - 4.000MW công suất điện gió ngoài khơi.

Với chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn cho dự án điện năng lượng, xử lý ngay vướng mắc theo thẩm quyền cho dự án trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đấy phải xử lý giải quyết, không được đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý vòng vo; không để giải quyết khó khăn lại nảy sinh vướng mắc, khó khăn”; nhiều ý kiến đánh giá những dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị sẽ sớm được tăng tốc, hoặc tái khởi động trở lại.

Vận chuyển thiết bị đến một dự án điện gió tại Quảng Trị.

Đại diện UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế - xã hội thuần túy, mà còn là khát vọng, nỗ lực hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững của tỉnh trên con đường xây dựng, đổi mới”.

Đã từng thành công trong việc biến nắng gió thành năng lượng, biến điều bất lợi thành có lợi, nên nhiều ý kiến đánh giá nhất định những vướng mắc tại “công trường dự án năng lượng tái tạo Quảng Trị” sẽ sớm được tháo gỡ; để Quảng Trị đến đích trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Trong chuyến thăm và làm việc của tại Quảng Trị vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng, lợi thế lớn, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch, năng lượng xanh dồi dào và dư địa cho phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều.

Trên tinh thần tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ Quảng Trị tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn để tiếp tục phát triển.

Đọc thêm