Thích các loại sách “mì ăn liền”
“Văn hóa đọc” được nhắc đến nhiều nhưng phần lớn mọi người đều chưa ý thức hay chưa hình dung được ý nghĩa nội hàm của nó. Nhận được câu hỏi “Bạn/anh/chị hiểu văn hóa đọc có nghĩa là gì?”, rất nhiều người bối rối pha lẫn ngạc nhiên hỏi lại: “Có cả văn hóa đọc nữa à?” hoặc xuề xòa “ Không phải đọc nhiều là có văn hóa đọc sao?”.
Không ít bậc cha mẹ đến đây chọn sách cho con cũng tỏ ra mù mờ khi cắt nghĩa cụm từ này. Có gia đình đến mua sách suy nghĩ đinh ninh: “Cứ mua sách về thì con sẽ biết đọc sách”. Anh Duy, một cộng tác viên trẻ tại hội sách, nhận xét: “Văn hóa đọc hiện nay rất hạn chế” nhưng cũng không đinh nghĩa được “văn hóa đọc” là gì. “Văn hóa đọc nghe đao to búa lớn quá, giờ chỉ cần đọc sách thôi đã là tốt lắm rồi!”- anh Nguyên, một thành viên trong Ban tổ chức hội sách bình luận. Vậy có phải chỉ cần đọc hay đọc nhiều là có văn hóa đọc hay không?
Ngày xưa, công nghệ in ấn chưa được tốt, sách ít, những quyển sách như Truyện Kiều, Những người khốn khổ, Giên-Êrơ, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa,... lâu lâu mới được tái bản, lại còn in trên giấy đen, chữ mờ chữ tỏ, có quyển còn rách lem nhem vì đã qua tay nhiều người đọc. Muốn mượn đã khó, muốn mua có khi còn khó hơn. Ấy vậy, ai mà có được quyển sách thì quý giá biết bao, chỉ muốn nâng niu, gìn giữ nó như một bảo vật.
Ngày nay, sách nhiều và đa dạng hơn bao giờ hết về nội dung lẫn hình thức. Nhưng người đến mua sách ít hẳn đi và ngày càng hời hợt. Nhiều người đến với những hội chợ sách chỉ là để chụp ảnh check-in, họ lướt qua hờ hững trước những chồng sách và chỉ dừng lại ở những quyển nào bìa bắt mắt, chủ đề nóng, thậm chí còn không lật đằng sau để đọc phần tóm tắt, bình luận sách. Có người mua sách theo phong trào, về nhà vứt xó, chả buồn mở ra đọc, rồi lâu lâu mang ra bán giấy vụn. Có những bạn lại chỉ “sính” đọc sách nước ngoài, thấy sách Việt Nam thì chê lên chê xuống, mặc dù chưa biết nội dung, văn phong thế nào. Nhiều bạn trẻ giờ có thể bỏ ra năm chục nghìn để mua trà sữa uống hàng ngày, hàng trăm nghìn cho một bữa ăn sang chảnh. Thế mà một quyển sách bảy tám chục nghìn cũng chê đắt, nhất định không chịu mua.
Mặt khác, những loại sách kiểu “mì ăn liền”, thực dụng, ít có chiều sâu, hiện đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Anh Nguyên, người đã có 15 năm kinh nghiệm trong ngành xuất bản sách, hiện đang công tác tại NXB Trẻ chia sẻ: “Hiện nay, đối tượng người trẻ đến mua sách nhiều hơn người lớn tuổi. Đa số các bạn hướng tới đọc cái gì nhanh và dễ. Vì vậy, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết ngôn tình và các sách kỹ năng sống, sách làm giàu bán được nhiều nhất”.
Internet đang “làm nhiễu” văn hóa đọc sách
Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… tưởng như không còn chỗ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Sách in không cạnh tranh được với sách điện tử về tiện ích lẫn giá cả.
Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” được phê duyệt tháng 3 năm 2017 (Quyết định số 329/QĐ-TTg) thống kê: “Hiện nay số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44%, trong khi đó số lượng người hoàn toàn không đọc là 26 % - một tỷ lệ khá cao so với thế giới. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10 % dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1- 2 nghìn bạn đọc, cấp huyện 200 – 600 bạn đọc; thư viện/phòng đọc cấp xã khoảng 100 – 200 bạn đọc. Giới trẻ có xu hướng đọc những truyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, sách chữ… Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình của học sinh, sinh viên tương đối cao tới 55%”.
Theo nhà ngôn ngữ học, PGS. TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thì không phải ai đọc nhiều cũng có văn hóa đọc. Mọt sách là một ví dụ điển hình, từ này ám chỉ những người đọc rất nhiều, nhưng không chọn lọc, không định hướng nên việc đọc không hiệu quả. Vì vậy, phải phân biệt giữa đọc và văn hóa đọc. Đọc là thao tác sử dụng thị giác để tiếp nhận tri thức; còn văn hóa đọc là những ứng xử, thái độ của người đọc với việc đọc, với sách vở nói riêng và tri thức nói chung. Từ đó hình thành thói quen, xu hướng và gu thẩm mỹ của bạn đọc sau một thời gian dài”. Ông chia sẻ thêm, người có văn hóa đọc không chỉ biết đọc một cách chọn lọc mà còn biết sử dụng trí thông minh, sự hiểu biết, kỹ năng đọc và xử lý thông tin để nhìn ra cốt lõi vấn đề, thẩm thấu tri thức và áp dụng vào nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Một bữa ăn giàu dinh dưỡng là khi người ta phải thấy ngon miệng. Đọc cũng vậy, đọc mà không có hứng thú thì không có nghĩa lý gì. Khi người đọc thấy được đọc là nhu cầu, là thưởng thức, sẽ ham đọc, hứng thú đọc, lâu dần hình hành kỹ năng và gu thẩm mỹ đọc. Văn hóa đọc, hay cách ứng xử, thái độ với việc đọc cần được hình thành từ thuở bé, được sự phối hợp định hướng, động viên của gia đình, nhà trường và xã hội. Đọc là một quá trình và phải có sự hình thành qua thời gian dài. Vì vậy không thể hời hợt bề ngoài mà phải có sự quan tâm, duy trì một nền văn hóa đọc bền vững cho con trẻ” - nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình nhận định.