Bình Định kiên quyết xử lý về lấn, chiếm đất đai, không để xảy ra vi phạm mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong thời gian tới, Bình Định sẽ triển khai xử lý dứt điểm hàng nghìn trường hợp vi phạm về lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép còn tồn tại, không để xảy ra vi phạm mới.

Tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh Bình Định tổ chức mới đây, ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, trong đó có công tác xử lý lấn, chiếm đất đai. Tình trạng lấn, chiếm đất đai tuy đã giảm số vụ mới phát sinh, nhưng các trường hợp vi phạm trong những năm trước đây chưa được các địa phương xử lý dứt điểm, tập trung tại các địa bàn, khu vực Nhà nước quy hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn…

Tính từ trước đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp, còn 7.312 trường hợp chưa xử lý. Tình trạng nói trên diễn ra nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp; huyện Tuy Phước 3.293 trường hợp, đã xử lý 1.266 trường hợp, còn 2.027 trường hợp; huyện Tây Sơn 2.410 trường hợp, đã xử lý 2.135 trường hợp, còn 275 trường hợp…

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, công chức cấp xã chưa nắm vững quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai nên nhiều trường hợp xử lý không đúng quy định của pháp luật, tạo kẽ hở để người dân xây dựng hoàn thành công trình, khó khăn trong công tác cưỡng chế tháo dỡ.

Nguyên nhân của tình trạng lấn, chiếm đất đai một phần là do UBND cấp huyện chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm.

Nguyên nhân của tình trạng lấn, chiếm đất đai một phần là do UBND cấp huyện chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm.

Trong khi đó, UBND cấp huyện chưa quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, không ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình; chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với các công trình vi phạm về quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng và lấn, chiếm đất đai.

“UBND cấp huyện chưa lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tốt, hiệu quả giữa các cơ quan chuyên môn (quản lý xây dựng, quản lý đất đai) và phối hợp với UBND cấp xã để kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm”, ông Hoàng nói.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bình Định sẽ triển khai cụ thể việc xử lý các vụ việc vi phạm. Theo đó, đối với các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014, trường hợp nào đủ điều kiện cho phép tiếp tục sử dụng đất (đủ điều kiện tồn tại) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp nào không đủ điều kiện cho phép tồn tại (kể cả không phù hợp quy hoạch hoặc phát sinh từ ngày 1/7/2014 trở về sau) thì phải có thông báo rõ nội dung gửi UBND cấp xã và nhân dân biết để thực hiện. Các trường hợp buộc phải tháo dỡ trả đất cho Nhà nước, nếu quá thời gian quy định mà người sử dụng đất không chấp hành thì UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Bình Định sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ hàng nghìn trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.

Bình Định sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ hàng nghìn trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.

Đối với các trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 1/7/2014 trở về sau, Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra phát hiện các trường hợp mới phát sinh, gắn với việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử và địa điểm tiếp nhận các thông tin từ tổ chức, công dân phát hiện báo các trường hợp lấn, chiếm đất đai, giao đất trái quy định.

“Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra phát hiện các hành vi lấn, chiếm đất đai. Trong thời hạn không quá một ngày kể từ ngày phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì phải tổ chức việc kiểm tra buộc khôi phục lại tình trạng sử dụng đất ban đầu. Nếu người có hành vi vi phạm không chấp hành thì tổ chức tháo dỡ; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND cấp huyện tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ kịp thời. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan có chức năng trực thuộc phối hợp với UBND cấp xã (nơi có đất xảy ra lấn, chiếm) tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo thẩm quyền”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

“Quan điểm của tỉnh khi xử lý vi phạm lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép là phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không nhẹ người này, nặng người kia, nhất là cán bộ và người thân của cán bộ nếu sai phạm phải nghiêm túc xử lý”, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói như vậy tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm