Tuy không làm rõ nội dung trên nhưng cả hai cấp tòa vẫn đưa ra phán quyết về việc “phát mãi tài sản thế chấp”. Ngoài ra, theo đại diện bị đơn thì trong quá trình tiếp quản, chuyển mô hình hoạt động thì Cty Việt Mỹ còn đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình trên đất. Vì vậy, tài sản trên mặt bằng Nhà máy hiện nay đang vừa thiếu, lại vừa thừa so với hợp đồng thế chấp trước đây.
Trả nợ “oan” vì tài sản thế chấp khống?
Từ năm 2006 đến năm 2009, Cty Hoàng Ánh đã nhiều lần vay tiền (tổng số khoảng gần 40 tỷ đồng) của Agribank Quy Nhơn để xây dựng nhà máy luyện cán thép và đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, mua thiết bị hoặc chi phí sản xuất thép...
Tài sản dùng để đảm bảo các khoản vay là tài sản hình thành trong tương lai (HTTTL) gồm: Nhà xưởng, máy móc, thiết bị, sắt thép, nguyên phụ liệu…
Năm 2010, Hoàng Ánh chuyển đổi mô hình hoạt động thành Cty Cổ phần và đổi tên thành Cty Việt Mỹ. Hai năm sau thì Cty này bị Agribank Quy Nhơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu trả tổng cộng hơn 45 tỷ đồng (gồm hơn 20,1 tỷ đồng nợ gốc và gần 24,9 tỷ đồng tiền lãi). Nếu bị đơn không trả được nợ thì đề nghị phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Đứng trước nguy cơ phải trả nợ “oan” cho lãnh đạo cũ (Cty Hoàng Ánh) nên ngay sau đó, Việt Mỹ đã liên tục có đơn tố cáo một số cá nhân có hành vi lập hồ sơ khống để Hoàng Ánh vay tiền ngân hàng, dẫn đến việc ngân hàng mất tiền. Tuy đã tiến hành xác minh nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định lại kết luận rằng, vụ việc không có dấu hiệu tội phạm.
Nhưng đến nay, Việt Mỹ vẫn giữ nguyên nội dung tố cáo của mình, đề nghị Cơ quan An ninh điều tra vào cuộc tiến hành điều tra theo đúng thẩm quyền (lĩnh vực tín dụng, ngân hàng). Theo lãnh đạo Cty này thì hiện nay, khi bản án xét xử tranh chấp hợp đồng tín dụng đã có hiệu lực, đang được cơ quan thi hành án dân sự (THADS) xác minh tài sản để thu hồi nợ cho Ngân hàng thì việc thế chấp tài sản khống trước đây càng lộ rõ hơn bao giờ hết. Việc Ngân hàng bị chiếm đoạt tiền đã là một thực tế hiện hữu chứ không ở dạng “nguy cơ mất tiền” như trước đây.
Chủ tịch tỉnh từng chỉ đạo Công an vào cuộc
Được biết, vào tháng 7/2017, tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến THADS, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo giao Công an tỉnh điều tra, làm rõ một số nội dung, trong đó có việc Cty Hoàng Ánh được vay tiền trong vụ việc nói trên. Tuy nhiên, theo đại diện Cty Việt Mỹ thì đã một năm trôi qua nhưng không thấy cơ quan công an vào cuộc xác minh theo chỉ đạo này.
Không chỉ có đơn thư tố cáo mà ngay tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, đại diện Việt Mỹ đều khai rõ, nhiều tài sản đã từng đề cập trong Hợp đồng thế chấp giữa Agribank Quy Nhơn và Hoàng Ánh trước đây đều không có tại thời điểm lãnh đạo mới (Cty Việt Mỹ) tiếp quản Cty. Ngoài ra, một số máy móc tuy được Hoàng Ánh dùng làm tài sản thế chấp nhưng vẫn để tại Hà Nội mà chưa đưa về nhà máy tại Bình Định để quản lý, đảm bảo thu nợ.
Bản thân Agribank Quy Nhơn cũng thừa nhận tại Tòa rằng, số tài sản trên do bên vay chưa thanh toán hết nên chưa đem về được. Như vậy thì rõ ràng, tài sản trên không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Hoàng Ánh, tại sao Cty này vẫn thế chấp trót lọt?
Theo xác minh của CQĐT và một số tài liệu liên quan thì có thể thấy hành trình “rút tiền” như sau: Hoàng Ánh ký hợp đồng mua máy móc của đối tác nhưng khi mới thanh toán được một phần tiền thì đã được xuất hóa đơn cho toàn bộ lô hàng. Sau đó, Hoàng Ánh đã đưa hợp đồng và hóa đơn này vào hồ sơ thế chấp vay tiền. Tuy đã vay được tiền nhưng Hoàng Ánh không chuyển trả nợ cho đối tác để lấy máy móc. Chính vì vậy mà nhiều tài sản chỉ xuất hiện “trên giấy” mà không hề được Hoàng Ánh chuyển về nhà máy để quản lý theo dạng tài sản thế chấp.
Thi hành bản án như thế nào?
Một tài sản HTTTL bị tố chỉ có “trên giấy” khác là “toàn bộ sắt thép phế liệu, nguyên phụ liệu để sản xuất sắt thép, phôi thép thành phẩm” được Hoàng Ánh thế chấp vay tiền bằng Hợp đồng số 187/09 (và phụ lục Hợp đồng số 01/187) vào tháng 5/2009 (hiện còn nợ hơn 11 tỷ tiền gốc và hơn 12 tỷ tiền lãi).
Theo đại diện Việt Mỹ thì thực tế khi bàn giao Cty vào tháng 7/2010, toàn bộ số sắt thép không hề có. Phải chăng, chính vì không có tài sản này nên vào tháng 8/2010, khi ký lại hợp đồng thế chấp với Việt Mỹ nên Agribank Quy Nhơn đã “lờ” hợp đồng thế chấp số 187/09 đã ký với Hoàng Ánh năm 2009 (mà chỉ ký lại hợp đồng thế chấp năm 2006 và 2008)?
Trong giai đoạn xét xử, đại diện Việt Mỹ đã có đơn kháng cáo cho rằng sắt thép thế chấp theo Hợp đồng số 187/09 không tồn tại trên thực tế nhưng không hiểu sao cả bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm vẫn tuyên: nếu Việt Mỹ không trả hoặc không trả hết nợ thì Agribank Quy Nhơn có quyền yêu cầu phát mãi các tài sản được xác định trong hợp đồng thế chấp tài sản số 187/09 và phụ lục Hợp đồng số 01/198 ngày 25/5/2009.
Với việc tài sản theo hợp đồng thế chấp nêu trên không hề có thì không hiểu Agribank Quy Nhơn sẽ yêu cầu phát mãi cái gì và Cục THADS tỉnh Bình Định sẽ tiến hành kê biên tài sản như thế nào?