Theo đề án, TP Bến Cát được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 234,35km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 364.578 người. TP này thành lập thêm hai phường mới là An Điền và An Tây trên toàn bộ diện tích của hai xã An Điền và An Tây. Bến Cát cũng có các phường hiện hữu (Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa) và xã Phú An.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc thành lập TP Bến Cát phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa. Bến Cát có thể thu hút thêm đầu tư, phát huy các tiềm năng hiện có nhờ vị trí địa lý. Thời gian qua, địa phương này dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cải tạo chỉnh trang đô thị.
Bến Cát giáp TP Thủ Dầu Một, cách trung tâm TP HCM 50km. Địa phương này nằm trên các trục giao thông quan trọng như QL13, Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, có sông Sài Gòn và sông Thị Tính chảy qua. Địa phương có kế hoạch đầu tư cảng sông công suất 7 triệu tấn kết nối trực tiếp với cảng Cái Mép - Thị Vải và Cát Lái.
Từ vùng đất thuần nông, đến nay, Bến Cát là địa phương công nghiệp năng động, được đánh giá là “điểm sáng” về phát triển kinh tế của Bình Dương. Tổng giá trị sản xuất đến hết tháng 8 ước đạt hơn 150.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,9%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ công nghiệp trong kinh tế địa phương đạt 72,4%, dịch vụ 27,3% và nông nghiệp 0,3%. Trong 3 năm, 1.193 dự án rót vốn đầu tư vào Bến Cát, tăng bình quân 13,64% mỗi năm. Gần 800 trong số đó là vốn đầu tư từ nước ngoài.
Trước đó, UBND thị xã Bến Cát đã tiến hành lấy ý kiến cử tri về đề án. Kết quả có 99,92% tán thành việc thành lập phường An Điền, An Tây. 99,15% cử tri tán thành thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo địa phương cho biết thời gian tới sẽ tập trung lập lại trật tự đô thị, khắc phục khu dân cư tự phát, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng để đưa Bến Cát thành đô thị loại II vào năm 2025.