Một trong các hộ trên, là ông Nguyễn Ngọc Thanh (80 tuổi, nguyên Hiệu phó trường) cho biết, các cá nhân trên tới đây công tác theo sự phân công từ 1976. Trường ban đầu có tên Trường Bổ túc văn hóa Công nông tỉnh Sông Bé (cũ), đến 1978 đổi tên thành Trường Bổ túc văn hóa Thanh niên tỉnh Sông Bé. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên đều thuộc diện xung phong lên xây dựng trường.
Ông Thanh cho biết, khi thành lập trường, gặp nhiều khó khăn, để khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên ở lại bám địa bàn, lãnh đạo trường và địa phương đã kêu gọi tạo điều kiện cho các gia đình khai hoang, san lấp đất hoang quanh trường để dựng nhà ở, lấy đất trồng trọt.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương (72 tuổi, nguyên giáo viên trường) cho biết, đến nay, các gia đình đã sinh sống ổn định tại đây gần 50 năm, có hộ khẩu thường trú hợp pháp. Nhà đất chưa được cấp sổ nhưng hàng năm các hộ đều nộp thuế đất ở và các nghĩa vụ liên quan khác theo yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương.
Sau này, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương được giao quyền quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của Trường Bổ túc văn hóa Công nông tỉnh Sông Bé. Tháng 9/2019, các hộ gia đình trên nhận được thư mời xác định ranh đất của trường tiếp giáp với các hộ dân liền kề liên quan của Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa. Tại các buổi làm việc do phường tổ chức, các hộ dân đã cung cấp các giấy tờ, chứng cứ chứng minh nguồn gốc nhà đất mình khai hoang, sử dụng liên tục gần 50 năm nay, không tranh chấp với ai.
Tháng 12/2024, các hộ được mời làm việc với Tổ công tác của UBND phường Hòa Lợi và Phòng TN&MT Bến Cát. Hồ sơ cho thấy, công chức địa chính phường đã lập biên bản vi phạm hành chính “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” đối với tất cả các hộ dân.
Theo các “biên bản vi phạm hành chính”, lý do lập biên bản dựa trên các căn cứ sau: Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý 27-2024, Công văn 91/MTVH và 99 của Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương năm 2024 “về việc xác định thời điểm chiếm đất vi phạm”. Các hộ bị cho là đều có hành vi “chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý”. Thời điểm vi phạm của các hộ khác nhau, có hộ năm 1979, có hộ năm 1985, có hộ năm 2000… Các hộ dân không đồng ý.
![]() |
Các hộ dân cho biết, vì phường xác định họ “chiếm đất”, nên có nguy cơ bị thu hồi nhà đất mà không được bồi thường hỗ trợ. (Ảnh trong bài: Duy Trường) |
Một trong số các hộ là hộ ông Phan Văn Ly (nguyên kế toán trưởng của trường) có đơn lên UBND phường khẳng định các hộ không lấn chiếm đất công. Ngày 31/12/2024, UBND phường có Văn bản 421/UBND-KT, cho rằng “theo kết quả rà soát hồ sơ, phần diện tích đất ông Ly đang sử dụng nằm toàn bộ trong khu đất thực hiện dự án xây dựng Trường THPT chuyên Hùng Vương và ông Ly không có giấy tờ chứng minh được các tổ chức trước đây cho phép sử dụng. Qua đó, việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của UBND phường là đúng”. Theo UBND phường, lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hết thời hiệu.
Nhận định về sự việc, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nêu ý kiến, theo khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 và khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; thì người dân sử dụng đất (SDĐ) có nhà ở và đất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993; hoặc trước ngày 1/7/2004 ổn định, lâu dài, không có tranh chấp; thì được công nhận quyền V. “Trong sự việc này, việc các hộ dân SDĐ lâu dài, ổn định được xác định, thể hiện không chỉ bằng thực tế sinh sống, mà bằng việc liên tục nộp thuế đất”, LS Hiệp nói.
“Đối chiếu quy định trên và thời điểm SDĐ của các hộ dân chính được UBND phường Hòa Lợi xác định là từ gần 50 năm trước, thì các hộ được công nhận quyền SDĐ, đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Trong trường hợp nhà đất này bị thu hồi thực hiện dự án, phải được bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng Bến Cát cần xem xét lại sự việc này một lần nữa, để áp dụng pháp luật một cách chính xác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân”, LS Hiệp nói.
Cũng theo LS Hiệp, việc người dân SDĐ từ trước năm 1993, có hộ SDĐ từ năm 1979, 1985 nhưng đến ngày 12/12/2024 UBND phường Hòa Lợi mới lập các biên bản vi phạm hành chính; cho rằng các hộ dân này lấn chiếm đất do cơ quan tổ chức của Nhà nước quản lý, là chưa phù hợp cả về tình và lý. “Các hộ dân sinh sống, xây dựng nhà cửa gần 50 năm trước, UBND phường không phát hiện, mà đến ngày 12/12/2024 mới phát hiện và lập biên bản là chưa hợp lý”, LS Hiệp nói.