Khu đất do Cty TNHH Thanh Yến Bình Dương đứng tên, có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng. Thế nhưng cơ quan chức năng lại “cắt khúc thời điểm”, cho rằng đây là “đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng”, để thu hồi 6802m2 mà không bồi thường 1 xu.
Dự án nhà ở hai lần cắt đất phục vụ công trình công cộng
Theo các hợp đồng, giấy nộp tiền, nộp thuế Cty Thanh Yến cung cấp, dự án diện tích gần 27 ngàn m2 nêu trên hoàn toàn có nguồn gốc đất do Cty nhận chuyển nhượng từ người dân.
Quá trình lập hồ sơ thực hiện dự án nhà ở “Khu dân cư Bình Thắng”, chủ đầu tư là Cty Thanh Yến xin làm con đường nội bộ chiều rộng 33m, chiều dài 204m, tổng diện tích hơn 6700m2, chạy suốt chiều dài dự án. Ý tưởng này được UBND huyện Dĩ An (nay là TP) chấp thuận trong Quyết định 274/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án hồi năm 2008. Thanh Yến đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho nhà nước với khu đất.
Sau khi nộp lại các “sổ đỏ” cũ mua của người dân cho cơ quan chức năng, năm 2014 Thanh Yến được cấp “sổ đỏ” mới. Bình Dương không cấp một sổ “tổng” cho dự án, mà chia làm nhiều sổ, phần chung cư sổ riêng, phần phân lô sổ riêng... Với trục đường nội bộ rộng 33m, Thanh Yến được cấp sổ ký hiệu CT07620, “thời hạn sử dụng 50 năm (đến 2059), mục đích sử dụng đất giao thông”. Đặc biệt, sổ ghi “nguồn gốc đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng”.
Hai năm sau, ngày 31/3/2016, UBND tỉnh có Quyết định 721a/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài. Tuyến đường này rộng 31,5m, dài gần 1km, nối vòng xoay Mỹ Phước - Tân Vạn - ĐT743A, chạy qua dự án của Thanh Yến, nối ra QL1A. Tỉnh giao TP Dĩ An làm chủ đầu tư dự án.
Thanh Yến cho biết, mãi sau này, khi Dĩ An công bố quyết định thu hồi đất, mới biết Bình Dương có dự án nêu trên.
Đây cũng là thời gian dự án của Thanh Yến long đong khi phía mặt tiền bị Nhà nước thu hồi hơn 3000m2 để mở rộng Xa lộ Hà Nội. Bị mất diện tích đất ở quá lớn, dự án nhà ở này phải làm lại quy hoạch 1/500, cơ cấu lại thành phần... Thanh Yến cho hay sẽ không làm trục đường nội bộ rộng tới 33m nữa; ở vị trí đó sẽ thay bằng nhà ở, chung cư...
Ngày 26/3/2018, UBND Dĩ An ra quyết định 778/QĐ-UBND thu hồi 6.802m2 đất của Thanh Yến để thực hiện dự án đường Mỹ Phước –Tân Vạn (MP – TV) nối dài. “Tình cờ” là vị trí con đường này nằm trùng, đè lên con đường nội bộ mà Thanh Yến dự định không xây nữa.
Ban đầu Thanh Yến phản đối, trình bày việc quá trình thực hiện dự án nhà ở này đã liên tục gặp thiệt thòi vì bị các dự án công cộng khác lấy đất. Được động viên DN cần có trách nhiệm trong phát triển đường giao thông công cộng, chung tay chia sẻ với Nhà nước và xã hội, Thanh Yến đồng ý để đường MP – TV nối dài đi qua, nhưng đề nghị địa phương phải đền bù đúng quy định pháp luật.
Vậy là dự án nhà ở của Thanh Yến hai lần bị lấy đất phục vụ công trình công cộng, diện tích từ 2,7ha, nay “ngót” lại còn 1,7 ha.
|
Nhiều ý kiến đánh giá Bình Dương đã vi phạm quy định Luật Đất đai khi thu hồi đất của Thanh Yến. |
“Cắt khúc” thời gian để không bồi thường
Đại diện Thanh Yến kể lại: “Vài ngày sau đó, tôi sững sờ như bị sét đánh khi UBND Dĩ An ra Quyết định 926/QĐ-UBND ngày 2/4/2018 công bố bồi thường với Cty”.
Theo đó, Dĩ An thu hồi 6802m2 của Thanh Yến mà không bồi thường về đất, không bồi thường chi phí đầu tư vào đất, lý do “đây là đất nhà nước cho thuê đất nhưng được miễn tiền thuê đất”. Nói cách khác, Dĩ An phủ nhận nguồn gốc đất trên là Thanh Yến mua từ người dân. Dĩ An đã “cắt khúc” thời gian, chỉ tính từ thời điểm Thanh Yến được cấp “sổ đỏ” năm 2014.
Bị thu hồi gần 7000m2 đất mà không một xu bồi thường tiền đất; chỉ được “bồi thường vật kiến trúc trên đất” gần 595 triệu đồng; ngày 29/6/2018, Cty có văn bản phản đối, nêu rõ để có được đất này, Cty đã bỏ tiền mua đất từ dân, mất nhiều chi phí đầu tư san lấp.
Ngày 19/7/2018, Hội đồng Bồi thường có văn bản gửi Cty, cho rằng 6802m2 đất thu hồi là “đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng”. Ngày 26/7/2018, Dĩ An có quyết định “hỗ trợ thêm” 390 triệu tiền di dời máy móc, thiết bị, xe cơ giới cho Cty (từ vài năm nay, do dự án nhà ở chưa thể thi công, Thanh Yến tạm dùng khu đất này làm nơi để máy móc, xe cơ giới – NV).
Không đồng ý, Thanh Yến tiếp tục phản đối. Ngày 1/7/2019, Hội đồng Bồi thường vẫn lập luận như trả lời ngày 19/7/2018, để không bồi thường về đất cho Thanh Yến.
Ngày 11/12/2019, Dĩ An bất ngờ ra quyết định công bố hơn 5 tỷ tiền hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng cho Thanh Yến.
Qua nhiều lần ra quyết định, số tiền Bình Dương bồi thường cho Cty bị thu hồi gần 7000m2 đất chỉ là hơn 6 tỷ gồm chi phí san lấp, di dời, vật kiến trúc. Với giá trị đất bị thu hồi và chi phí đầu tư vào đất còn lại, Bình Dương nhất quyết không bồi thường, nhất quyết cho rằng đó là “đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng”.
“Chúng tôi có thể chấp nhận thiệt thòi; nhưng không chấp nhận sự vô lý, vi phạm pháp luật”, đại diện Thanh Yến nói. Tại cuộc họp ngày 16/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, hứa với Cty rằng tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Bộ, ngành về các ý kiến của Cty. Không rõ tỉnh có thực hiện lời hứa đó không, nhưng đến 24/9/2020, Dĩ An ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
“Theo quy định, Thanh Yến phải được bồi thường”
Bình luận về sự việc này, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM), phân tích: “Lý do Bình Dương đưa ra để không bồi thường cho Thanh Yến là không đúng, không có căn cứ pháp lý. Thứ nhất, xét về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, 6802m2 bị thu hồi có nguồn gốc rất rõ ràng là Thanh Yến mua từ người dân”.
“Thứ hai, Dĩ An không thể suy đoán “đây sẽ là con đường nội bộ Thanh Yến thực hiện và con đường này kiểu gì cũng sẽ phải bàn giao địa phương”. Dự án nhà ở chưa thực hiện, Thanh Yến đang có ý định thay đổi quy hoạch dự án, diện tích trên chưa chắc sẽ là con đường nội bộ mà có thể là chung cư, nhà liền kề...”.
“Do đó, dù 6802m2 này ghi trên “sổ đỏ” là “Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất”, nhưng khi Thanh Yến chưa làm đường nội bộ trên phần đất này, thì Bình Dương vẫn phải bồi thường về đất cho Thanh Yến, theo Điều 74, 75, 76, 78 Luật Đất đai; và điểm a, khoản 2, Điều 3; khoản 2, Điều 5, Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, LS Tuấn nói.
Cùng quan điểm, LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) nói: “Theo Điều 74 Luật Đất đai, nguyên tắc thu hồi đất, bồi thường đất phải được tiến hành dân chủ, minh bạch, công khai, kịp thời, đúng pháp luật. Quá trình giải quyết khiếu nại của TP Dĩ An và tỉnh Bình Dương với sự việc này, tôi thấy đã không đảm bảo nguyên tắc nêu trên”.
“Thứ nhất, việc Dĩ An “cắt khúc” thời gian để phủ nhận nguồn gốc khu đất do Thanh Yến mua từ người dân, là không hợp lý hợp tình. Thứ hai, tôi cho rằng chính Hội đồng bồi thường cũng lúng túng, nên mới liên tiếp ra các quyết định bổ sung suốt hai năm 2018 – 2019. Thứ ba, Phó Chủ tịch tỉnh đã hứa xin ý kiến Bộ ngành về sự việc này để giải quyết cho các bên “tâm phục khẩu phục”, vậy tỉnh đã xin ý kiến hay chưa?”.
Dù chưa trả lời được những câu hỏi trên, Dĩ An vẫn đưa đoàn cưỡng chế đến lấy đất Thành Yến đúng thời điểm chủ DN này đang nhập viện cấp cứu, bỏ qua năn nỉ của nhân viên Cty này là chờ 1-2 ngày, chủ DN xuất viện sẽ tự nguyện bàn giao. Dĩ An còn hai lần bắt người của Cty, còng tay đưa về công an vì những nguyên nhân chưa rõ ràng...
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.