Bình Dương: Viện và Tòa có nhận định “đá nhau” trong vụ án giết người

(PLO) - Tòa nhiều lần trả hồ sơ đề nghị VKS phải làm rõ hành vi của một người có mặt lúc xảy ra vụ án và được cho là đã dùng chai đánh vào đầu nạn nhân, góp phần làm cho nạn nhân tử vong nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm trước đó. Đến khi VKS truy tố và đề nghị tuyên các bị cáo phạm tội giết người thì tòa chỉ tuyên 1 bị cáo về tội danh này. Hai bị cáo được Tòa chuyển sang tội danh nhẹ hơn…
Ảnh bị cáo Bình tại phiên tòa.
Ảnh bị cáo Bình tại phiên tòa.

Hồ sơ vụ án thể hiện, vào khoảng 22h ngày 21/11/2014, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hồng Thăng (SN 1984) cùng với Trần Khải Định và Cao Xuân Vân (đều ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) ngồi nhậu ở khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lúc này ở trong quán còn có nhóm của anh Bùi Văn Thuyết và nhiều người bạn khác quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An cũng đang ngồi nhậu cách bàn của nhóm Bình khoảng 5m.

Khi đang nhậu thì anh Thuyết lấy xe chạy đi mua đồ, sau đó quay lại nhưng quên tắt đèn nên có chiếu vào nhóm của Bình. Cho rằng Thuyết bất lịch sự nên Thăng có nói vọng lên: “Sao không chạy xe vào bàn luôn đi”. Thuyết không nói gì mà đi vào bàn nhậu của nhóm mình. Lúc này Định có điện thoại nên chạy ra ngoài cổng để nghe. 

Khoảng mấy phút sau, nhóm Bình kêu chủ quán tính tiền để về. Tuy nhiên do còn tức nên Vân và Thăng đứng lên chửi Thuyết. Khi thấy Thuyết cầm điện thoại thì Thăng cho rằng Thuyết gọi người đến đánh mình nên càng tức giận và thách thức. Thăng chạy ra xe máy lấy nón bảo hiểm chạy tới đánh nhưng Thuyết gạt ra. Cùng lúc, Vân xông vào đấm, đá nhiều cái vào người của anh Thuyết rồi bỏ đi. Riêng Bình lấy điếu cày ở quán đánh hai cái vào đầu anh Thuyết khiến nạn nhân gục ngã.

Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng do bị chấn thương sọ não nặng nên hai ngày sau thì anh Thuyết tử vong.

Với các hành vi đó, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hồng Thăng và Cao Xuân Vân bị VKSND tỉnh Bình Dương truy tố về tội “Giết người”. Trần Khải Định không bị truy tố vì VKS cho rằng không đủ cơ sở, dù có lời khai của bị cáo Vân có nhìn thấy Định cầm chai rượu Voskamen đánh nhiều cái vào đầu nạn nhân. Nhiều người khác nhìn thấy có 4 người tham gia đánh nạn nhân và dấu vết trên đầu nạn nhân có thể hiện.

Nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên TAND tỉnh Bình Dương nhiều lần trả hồ sơ để yêu cầu VKS làm sáng tỏ vai trò của Trần Khải Định trong vụ án này. Tuy nhiên VKS vẫn giữ nguyên quan điểm không đủ cơ sở xác định Trần Khải Định là đồng phạm trong vụ án này nên đã không truy tố.

Đến giữa tháng 9/2017, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Bình Dương đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo Bình, Vân và Thăng về tội giết người, tuyên phạt Bình từ 18 đến 20 năm tù; Thăng từ 16 đến 18 năm tù; Vân từ 14 đến 16 năm tù.

Mặc dù Kiểm sát viên và đại diện gia đình bị hại đề nghị tuyên cả ba bị cáo phạm tội giết người nhưng sau khi phân tích, đối chiếu với các quy định của pháp luật và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX chỉ tuyên bị cáo Nguyễn Văn Bình 8 năm tù về tội giết người.

   Đối với bị cáo Thăng và Vân, HĐXX nhận định rằng: giữa Vân, Thăng và Bình không hề có sự bàn bạc nào khi đánh nạn nhân. Hành vi của bị cáo Vân và Thăng là độc lập với hành vi của Bình nên hai bị cáo này không phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, hành vi của Thăng và Vân đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng nên đã tuyên bị cáo Nguyễn Hồng Thăng 20 tháng tù và bị cáo Cao Xuân Vân 18 tháng tù.

Bên cạnh đó, nhận thấy hành vi của Trần Khải Định có dấu hiệu của tội giết người nên HĐXX cũng đã kiến nghị VKS khởi tố đối với bị cáo này về tội giết người.

Điều đáng nói, mức án trên đối với Vân và Thăng lại ít hơn thời hạn hai bị cáo này. Cụ thể, mức án của Thăng ít hơn thời gian tạm giam của bị cáo này là 9 tháng 2 ngày. Mức án của Vân ít hơn thời hạn tạm giam là 11 tháng 2 ngày. Vì vậy, nếu bản này có hiệu lực thì Vân và Thăng sẽ được bồi thường.

Cho rằng bản án tuyên chưa đúng tội danh nên đại diện gia đình bị hại làm đơn kháng cáo. Phía VKS tỉnh Bình Dương cũng có kháng nghị thay đổi tội danh từ “Gây rối trật tự công cộng” sang “Giết người”. Sau đó VKSND Cấp cao tại TP HCM đã kháng nghị bổ sung đề nghị chuyển tội danh, khung hình phạt và trách nhiệm bồi thường đối với bị cáo Thăng và Vân.

Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa vì thấy rằng, Tòa đã tống đạt triệu tập Cao Xuân Vân và Nguyễn Hồng Thăng nhưng chỉ có gia đình họ nhận, mà không biết hai bị cáo đang ở đâu. Tòa sẽ tiến hành tống đạt, niêm yết công khai tại nơi bị cáo đăng ký cư trú cuối cùng theo luật định. Nếu bị cáo không có mặt thì ở phiên tòa sau, HĐXX vẫn tiến hành xét xử vắng mặt và ra bản án theo quy định. 

Đọc thêm