​'Bình luận tục tĩu' trên mạng xã hội bị xử lý ra sao?

(PLVN) - Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội (THHN) sẽ phối hợp Công an TP xác minh các trường hợp bình luận có nội dung tục tĩu trong các buổi livestream học qua truyền hình và sẽ thông báo cho nhà trường để xử lý.
Hình minh họa
Hình minh họa

Để trang bị kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp trong quãng thời gian nghỉ dài hạn do dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp THHN tổ chức sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình dạy và học trên truyền hình các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12. 

Theo THHN, ngay sau khi được phát sóng, các bài giảng của các thầy cô giáo ngay nhận được sự đón nhận của rất nhiều học sinh Thủ đô và đã có những phản hồi tích cực về nội dung bài học với giáo viên, sự tương tác cao. Tuy nhiên, một số bài giảng được phát sóng trên truyền hình và livestream qua mạng Internet, rất nhiều người, được cho là các học sinh lớp 9 đã để lại những bình luận hết sức tục tĩu, thô thiển, mang tính xúc phạm đến người giảng dạy.

Để xử lý tình trạng này, THHN cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội xác minh các trường hợp bình luận có nội dung tục tĩu trong các buổi livestream học qua truyền hình và sẽ thông báo cho nhà trường.

LS Phạm Xuân Nghĩa (Đoàn LS Hà Nội), cho biết, Điều 37 Bộ luật Dân sự quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. 

Luật An ninh mạng cũng quy định rất rõ với vấn đề này. Tại khoản 3 Điều 16 quy định: Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

“Như vậy, danh dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi cá nhân, công dân là bất khả xâm phạm, luôn được pháp luật bảo vệ bằng cách đặt ra các quy định pháp luật để xử lý đối với những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, LS Nghĩa nói.

Theo LS Nghĩa, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000đ. Việc xử lý hành chính với vi phạm này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú.

Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 BLHS hoặc tội “Vu khống” quy định tại Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi 2017.

Tuy nhiên, LS Nghĩa cho rằng, ở sự việc trên đa phần đối tượng comment là học sinh, chính vì thế cần tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức pháp luật, nhắc nhở các em học sinh cố gắng học tập tốt, thực hiện tốt những quy định của pháp luật.  

Đọc thêm