Trong đơn kêu cứu gửi Báo Pháp luật Việt Nam, người cựu binh Vũ Đình Tiên (SN 1958, ngụ khu phố 1, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) trình bày rằng. Ông quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, sau khi tham gia chiến tranh trở về, năm 1989 ông vào vùng núi heo hút ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước khai hoang khẩn hóa được một khu đất khoảng 3ha để làm kế sinh nhai.
Sau khi trồng điều xong trên khu đất đó, ông lên Tây Nguyên tìm đá quý. Một năm sau ông quay về thì thấy đã có người chiếm mất đất, đó là gia đình ông Trần Văn Hợp (hàng xóm)? Mâu thuẫn xảy ra, nhưng do thân cô thế cô nên ông thường xuyên bị gia đình ông Hợp bắt nạt, đe dọa.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn đó xảy ra vào ngày 27/2/2006, khi đó ông đang đi làm cách nhà 700m thì có người chạy tới báo tin vợ ông là bà Trần Thị Thủy bị bà Hán Thị Hóa và con gái là Trần Thị Tuyết (vợ và con ông Hợp) cầm gậy tầm vông xông vào đánh ở trong rẫy. Hốt hoảng, ông Tiên mượn xe máy chạy về cứu vợ.
Ông Tiên chạy xe vào nhà cách hiện trường khoảng 50m để lấy vải băng bó cho vợ, nhưng mới đi được nửa đường thì bất ngờ bị nhóm người phục sẵn trong lùm cây với dao, rựa, gậy gộc xông ra đánh chém tới tấp khiến ông không kịp trở tay. Dù ông phản ứng, van xin, nhưng đám côn đồ vẫn liên tục đánh, dồn ông xuống suối gần đó rồi cắt gân chân của ông.
Sự vụ được người dân phát hiện và đưa hai vợ chồng ông Tiên đi cấp cứu. Kết quả, bà Thủy bị thương tật 4% vĩnh viễn, ông Tiên bị thương tật 41%.
Điều đáng nói là sau hơn 9 tháng vụ án xảy ra, Công an huyện Đồng Phú mới chịu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với mẹ con Hán Thị Hóa. Tuy nhiên điều trớ trêu là Công an Đồng Phú lại tách vụ án cố ý gây thương tích của vợ ông Tiên ra riêng, mà không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm người đã gây thương tích 41% cho ông Tiên, dù địa điểm cùng một nơi, thời gian chỉ cách nhau chừng 10 phút.
Quá trình xét xử đã tuyên phạt Hán Thị Hóa 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Còn với Trần Thị Tuyết bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ vì đã gây tổn hại sức khỏe vĩnh viễn cho bà Thủy 4%.
Quá bức xúc vì vụ án xảy ra cùng địa điểm, cùng thời gian và bị tỷ lệ thương tật 41% và các chứng cứ khách quan gần như đã “khoanh vùng” đối tượng gây án thế nhưng Công an vẫn không chịu vào cuộc ngay nên ông Tiên làm đơn kêu cứu khắp nơi.
Mãi đến ngày 24/8/2009 (tức hơn 3 năm sau sự việc xảy ra) thì Công an huyện Đồng Phú mới khởi tố vụ án. Tuy nhiên quá trình điều tra không biết do nghiệp vụ yếu kém hay vì lý do nào khác mà cơ quan này không thể xác định được đối tượng đã gây thương tích cho ông Tiên, dù nạn nhân đã cung cấp họ tên một số đối tượng cụ thể.
Mới khởi tố vụ án được 8 tháng thì Công an Đồng Phú lại ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do… hết thời hạn điều tra. Nguyên nhân do vụ án này không điều tra được không phải là do nghiệp vụ yếu kém, mà có những điểm “khuất tất”, “mờ ám” nên người cựu binh đành tiếp tục gõ cửa kêu cứu nhiều nơi, nhưng từ đó tới nay vẫn chưa có kết quả.
Mới đây, Công an Đồng Phú trả lời cho Đài truyền hình Bình Phước rằng vụ án của ông Tiên xảy ra năm 2006 hiện đang tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định đối tượng gây án.
“Tôi bị nhiễm chất độc da cam nên không có con cái, thân cô thế cô. Cuộc sống quá khó khăn nên vài năm về trước, Nhà nước đã hỗ trợ xây cho tôi căn nhà tình nghĩa để có chỗ chui ra chui vào. Giờ đã hơn chục năm trời trôi qua, nhưng vụ án mà gia đình hàng xóm thuê giang hồ cùng con cháu của ông ta đánh tôi suýt chết đã bị các cơ quan chức năng quên lãng.
Hiện sức khỏe tôi rất yếu, không biết có sống đến ngày công lý được sáng tỏ hay không. Tôi tha thiết khẩn cầu quý Báo Pháp luật Việt Nam lên tiếng giúp đỡ để các cơ quan chức năng vào cuộc, đưa những kẻ đã gây ra thương tật cho tôi, cũng như những cán bộ đã dung túng cho những tên tội phạm trong vụ án này ra trước pháp luật…”- ông Tiên tha thiết.
Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Đồng Phú cũng như tỉnh Bình Phước rốt ráo vào cuộc để làm sáng tỏ vụ án, tránh bức xúc trong dư luận và nhân dân.